BÀI DỰ THI chủ đề “TÌNH HIỆP NHẤT” – Mã số 02

Chuyện xưa kể rằng: có một ông bố muốn giáo dục con cái về sự hiệp nhất, vì thế, ông đưa cho các con một bó đũa đã cột lại làm một và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Sau đó, ông lại bảo: hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa bị bẻ gẫy dễ dàng. Lúc đó, người cha liền bảo: “Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh; đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”. Với chủ đề “Xin hiệp nhất chúng con nên một”, là ưu tư và lo lắng của Giáo hội. Vì thế, Giáo hội đã dành một tuần để cầu nguyện cho Kitô hữu hiệp nhất. Trong tinh thần đó, chúng con xin trình bày một số quan điểm sau: Tại sao chúng ta phải hiệp nhất?; Hiệp nhất để xây dựng Giáo hội; Hiệp nhất để truyền giáo và Hiệp nhất trong đời sống sinh viên theo tinh thần Giêsu.
1, Tại sao chúng ta cần hợp nhất.
Cần hiệp nhất để đẩy lui bất hòa chia rẽ. Đây chính là cách giải quyết thiết thực vấn đề khúc mắc giữa các chi thể trong cùng một thân thể của Đức Kitô. Ngay từ thời các Tông Đồ, vấn đề hiệp nhất đã được đặt ra, vì giữa các ông cũng đã xuất hiện những cuộc tranh luận nảy lửa để xem ai là người lớn nhất (Mc 9, 34) và ai có thể được ngồi vào ghế danh dự nhất bên cạnh Thầy của mình (Mc 10, 37). Chính Đức Giêsu đã phải can thiệp và dạy cho các ông bài học về phục vụ như chính Người đã làm gương.
Vết xe này hằn sâu trong lịch sử của Giáo Hội thể hiện qua các cuộc ly khai lớn tạo ra các Giáo Hội Kitô khác như Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo…Không dừng lại ở ly khai, giữa các Kitô giáo còn đi xa hơn trong vấn đề sử dụng bạo lực để loại trừ lẫn nhau.
Đây chính là một vết nhơ giữa những người mang nơi mình danh Đức Kitô, vì đi ngược lại giáo huấn của người Thầy và phản với Tin Mừng mà mình rao giảng. Vì vậy, cầu nguyện để hiệp nhất là vấn đề cần thiết và thực tế cho mỗi chúng ta.
2, Hiệp nhất để xây dựng Giáo hội.
Đức Giêsu là người hiểu tâm lý của các môn đệ hơn ai hết. Ngài đã đích thân gọi và chọn các ông làm môn đệ cho mình, là những người Ngài sẽ trao phó công việc xây dựng Giáo hội mà Ngài thiết lập dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa biết rõ sự xuất thân của các ông. Ngài thấu hiểu hoàn cảnh, tâm lý của từng người. Vì thế, lời cầu nguyện cho các môn đệ được hợp nhất là điều rất quan trọng và thực tế. Sự hiệp nhất là yếu tố quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của công việc.
Quả thật, nếu không có sự hiệp nhất, thì việc xây dựng Giáo hội trở nên ảo tưởng và vô lý. Và, những lời rao giảng của các ông không ăn nhập gì với mục đích của lời rao giảng. Sự hiệp nhất đó được khởi đi từ khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha và Chúa Con nên một nhờ Thần Khí (Ga, 15,26). Cũng nhờ Thần Khí ấy ngự trên các môn đệ và làm cho họ hiệp nhất với nhau. Các môn đệ phải là những người đi tiên phong trong sự hiệp nhất này. Trong lịch sử Cứu độ, chúng ta đã thấy rất rõ hậu quả của sự chia rẽ: A đam và E và đã không nghe lời Thiên Chúa nên đã tự mâu thuẫn nội tại khi giơ tay hái và ăn trái cấm. Cain giết Abel vì không hiểu và không thương yêu nhau. Tháp Babel xây không thành vì bất đồng về ngôn ngữ… Chúa Giêsu cầu nguyện cho các ông được hiệp nhất vì: có hiệp nhất, thì mới có mối tương quan, sự cảm thông; mới xây dựng được đời sống cộng đoàn; có sự hiệp nhất thì mới cùng nhau làm chứng về Chúa cách hùng hồn. Nếu không có sự hiệp nhất, thì lẽ tất nhiên, cộng đoàn tan rã và sứ mạng Chúa trao phó không thể chu toàn.

 

3, Hiệp nhất để truyền giáo
Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cho cả những ai tin vào lời các ông rao giảng cũng được hiệp nhất với nhau. Đây quả là yêu tố quan trọng trong khi loan báo Tin mừng. Bởi lẽ, nếu không có sự hiệp nhất, lời rao giảng của các môn đệ trở nên phản chứng hơn bao giờ hết; và những ai đi theo lời các ông loan báo thì thật tệ hại cho cả một đời của họ.
Chúa sắp sửa trao cho các ông sứ mạng truyền giáo đến tận chân trời góc biển. Sứ mạng ấy là quy tụ muôn dân trên khắp mặt đất về một mối. Chỉ có một Chủ chiên và một đoàn chiên duy nhất. Chính vì điều đó, nên Chúa Giêsu khao khát cho các môn đệ phải là những người sống kiểu mẫu về sự hiệp nhất; đồng thời, những ai thuộc về Giáo hội mà các ngài rao giảng cũng đều có một mẫu số chung như các ngài.
Sứ mạng loan báo Tin Mừng ấy luôn đòi hỏi tinh thần hy sinh và từ bỏ của người môn đệ rất cao. Khó khăn ấy là: ốm đau, bệnh tật, cô đơn, hiểu lầm, bắt bớ và chịu chết để làm chứng cho lời rao giảng của mình… Nhưng nếu có sự hiệp nhất, yêu thương thì dù trong hoàn cảnh nào, các ông cũng đều làm chứng cho mọi người về một thực tại siêu việt vượt lên trên những thực tại chóng qua và vô bổ ở đời. Nếu người môn đệ Chúa Kitô rao giảng về một Tin mừng giải thoát, yêu thương mà chính bản thân các ngài lại không có những yếu tố hiệp nhất để chứng minh về lời rao giảng đó thì quả là một điều vô lý. Vì thế, trước khi truyền giáo, người môn đệ phải biết “yêu”. Yêu thương là đoàn kết. Yêu thương là sống mầu nhiệm tự hủy để chỉ còn sống cho người khác. Yêu thương là muốn cho người khác cũng được yêu thương như mình. Yêu thương chính là điểm hội tụ của những tấm lòng khao khát tìm chân lý. Có yêu thương như Thầy, thì những lời chứng của người môn đệ mới đủ khả tín. Được như thế, người môn đệ của Chúa Giêsu có quyền hy vọng về một tương lai của Giáo hội mà trong đó người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan và muôn dân sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

4, Hiệp nhất trong đời sống sinh viên theo tinh thần Giêsu.
Sinh viên là ai? Đó là những người đang học Đại Học và Cao Đẳng; họ là những con người từ nhiều miền đất khác. Vì nhiều vùng miền khác nhau tập trung lại nên có nhiều sự khác biệt nhau về văn hóa hay tôn giáo. Để hiệp nhất trong đời sống sinh viên và hơn hết là những sinh viên có niềm tin Tôn giáo. Chúng ta phải làm gì để xích lại với nhau hơn, đó là mối bận tâm cho những người hữu trách Giáo hội hôm nay. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Giáo hội là của giới trẻ, hay nói đúng hơn giới trẻ là của Giáo hội”. Vì thế, Sinh viên cần hiệp nhất hơn bao giờ hết theo tinh thần của Đức Giêsu.
Chúa Giêsu sống ở thế gian 33 năm, trong đó 30 năm Ngài sống ẩn dật và chuẩn bị cho hành trình để rao giảng; Và 3 năm Ngài đi rao giảng nước Trời cho muôn người. Sinh viên chúng ta cũng vậy, mỗi người đều chuẩn bị hành trang cho bản thân mình, người này khác với người kia, nhưng tất cả chúng ta đều chung một mái nhà. Ngôi nhà đó chính là sự hiệp nhất của tất cả các bạn sinh viên mà không phân biệt tôn giáo. Đây là cơ hội cho những sinh viên Công Giáo làm chứng và sống niềm tin của mình.
Chúng ta đã kết thúc một chặng đường dài đời học sinh phổ thông, và bắt đầu hay đã sống trong môi trường sinh viên. Ở nơi đây, chúng ta đều lạ lẫm về đời sống và cả tâm linh nữa. Về đời sống: Chúng ta phải tự lập vì xa gia đình; xa anh em, bạn bè;… Về phần tâm linh: Chúng ta đang ngỡ ngàng trước nhưng thay đổi đột ngột về niềm tin nơi Thành Thị, nơi mà con người đang chạy đua nhau mỗi ngày vì cuộc sống mà quên đi những: Thánh Lễ, Giờ Kinh hay các Cử hành Phụng Vụ…. Vì thế, chính đời sống sinh viên cần sự hiệp nhất để cộng tác, để nâng đỡ, và để gìn giữ nhau… là điều cần thiết. Như Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện với Chúa Cha thế này: “Lạy Cha, xin cho mọi người nên một” (Ga 17,21)”
Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy học nơi Chúa Giêsu. Lấy lời Chúa làm trung tâm cho đời mình, qua đó cho chúng ta một cách sống vững mạnh hơn để làm chứng cho Chúa ở môi trường mình đang sống. Môi trường đó là: Nhà trọ, lối xóm, lớp học hay mái trường của mình. Trước khi về trời Chúa Giêsu đã để lại một điều răn mới: “Mến Chúa yêu người”. Đó là điều mà mỗi Kitô hữu, đặc biệt là sinh viên chúng ta cần thực thi đó là: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đổ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Từ lúc đăng quang cho tới bây giờ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất quan tâm đến người nghèo, Ngài đã từng xây nhà tắm cho người vô gia cư tại Vatican; Ngài đã từng chỉ trích bệnh vô cảm của con người đối với người nghèo; Ngài đã xin lỗi người nghèo ở Vatiacan mới đây….Một nhà báo ví von như thế này: “Người ta đến để xem Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để nghe Đức Thánh Cha Bênêdictô giảng và để chạm Đức Giáo Hoàng Phanxicô” nói như vậy không phải để phân biệt gì cả. Nhưng ở đây một nói đến sự hiệp nhật về “Nhân vị”, người nghèo hay là ai cũng là con người, cũng là hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế cần được tôn trọng và bảo vệ, như Chúa Giêsu đã thương xót: Khôi phục nhân phẩm cho người phụ nữ ngoại tình, Kêu gọi Mattheu và Giakêu thu thuế, Cho con Trai bà góa thành Nain sống lại ….
Chúng ta là những sinh viên, mang trong mình dòng máu Kitô hữu, các bạn hãy đem yêu thương của Chúa đến với tất cả những người khi bạn tiếp xúc; chứ không phải chỉ nói yêu Chúa trên môi miệng. Trong thư thứ nhất của Gioan Tông Đồ đã khẳng định: “Ai nói yêu Chúa mà ghét anh em là kẻ nói dối”, vì thế, sinh viên chúng ta hãy dùng tình yêu của Chúa Giêsu để cảm hóa người ham hại mình. Yêu như Chúa đã yêu – tức Chúa Giêsu đã chết trên Thánh Giá vì loài người. Tình yêu ấy cụ thế hóa nơi việc làm của chúng ta: Quan tâm đến người khác như: Bạn cùng phòng, lớp học, trường học hay lối xóm… đó là mình chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu qua bản thân chúng ta. Từ những việc làm hay lời nói, người khác nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện nơi bản thân các bạn. Và từ đó tạo cho họ thiện cảm với sinh viên Công Giáo hơn. Nếu được mời họ tham gia các hoạt động khác: Có thể là nghi thức tôn giáo, có thể là thiện nguyện, có thể là các hoạt động xã hội nào đó… Qua đó, họ thấy bản chất của Đạo là tốt lành. Được như vậy chúng ta mới hiệp nhất được với nhau. Nhưng trong khi đó, có nhiều bạn sinh viên mang trong mình danh xưng “Công Giáo” nhưng lại không hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của mình. Nhiều lúc các bạn có gây ra nhưng hoen úa cho Giáo Hội. Vì thế, các bạn hãy giúp đỡ nhau để sống đúng chân lý của Chúa Giêsu hơn.
Tuy nhiên, không ai cho cái mình không có. Phải có mới cho. Vì thế, sự hiệp nhất phải bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Hiệp nhất với Chúa Giêsu như cành nho với thân nho; như cây cối cần ánh sáng của mặt trời; như cá trong nước… Có hiệp nhất với Chúa Giêsu và nên một với Ngài thì mới phát sinh sự hiệp nhất với nhau. Đây cũng chính là điều kiện để trổ sinh hoa trái. Hiệp nhất mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp nhất. Nếu ai hiệp nhất với Thiên Chúa thì phải sinh hoa kết trái dồi dào. Còn những ai không sinh hoa kết trái thì chính người ấy đã không sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa.
Ước mong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi xưa, nay được hiện tại hóa và sinh hoa kết trái dồi dào nơi những môn đệ của Ngài trong thế giới hôm nay.

———————————-

Link fb :https://www.facebook.com/SVCGTGPHN/posts/1800698046852069
Lưu ý:
– Hình thức chấm:
Cách tính điểm như sau: (50% dựa trên lượt like, share + 50% ban giám khảo)
+ 1 like = 1 điểm
+ 1 share = 2 điểm
Hình thức bình chọn hợp lệ khi thực hiện đầy đủ các bước sau:
+ Bước 1: Like Fanpage Hội SVCG TGP Hà Nội
+ Bước 2: Like bài dự thi trên Fanpage Hội SVCG TGP Hà Nội
+ Bước 3: Chia sẻ bài dự thi ở chế độ công khai với hashtag: #LTTSVCGTGPHN19
Thời gian bình chọn: Từ thời điểm đăng bài đến 23h59 ngày 15/12/2016
Chúc tất cả các bạn một kỳ lễ truyền thống nhiều niềm vui và ý nghĩa

#ltthoisvcgtgphanoi19

SVCG TGPHN

Chú ý: Thông tin đăng tải trên website được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Các bạn hãy chỉ lấy nó để tham khảo và ứng dụng vào bản thân. Hiện tượng bị lừa đảo do quá mê tín xảy ra rất nhiều nên các bạn hãy cẩn thận. Chúc các bạn may mắn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống!

Leave a Reply

Back to top button