BÀI DỰ THI chủ đề “TÌNH HIỆP NHẤT” – Mã số 01
Bài dự thi của bạn : Maria Đặng Thị Nhật Lệ – Sinh Viên Công Giáo Xuân Hòa
Lời nhắn gửi:
Đây hoàn toàn là tâm tình và sự chân thành của mình. Điều mình mong muốn lớn nhất trong bài viết là mọi người có thể biết, cảm nhận và sống với tình bạn, tình HIỆP NHẤT ngay nơi đời sống sinh viên gần gũi, thân thương này chứ không phải tìm đâu xa.
Xin gửi lời chúc tới Lễ Truyền Thống Hội SVCG TGP Hà Nội lần thứ XIX sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, ơn Chúa tuôn tràn xuống trên tất cả chúng ta!
NGƯỜI BẠN TRONG TÌNH HIỆP NHẤT
Bây giờ đã khuya lắm rồi, ngoài trời gió thổi từng cơn làm cây rung rinh lá, không khí luồn qua khe cửa khiến mọi thứ trong phòng trở nên buốt giá, đôi bàn tay cũng lạnh ngắt nhưng chẳng hiểu sao trái tim cứ thổn thức, thôi thúc tôi viết lên những dòng chia sẻ này. Đó là tình cảm giữa tôi và một người bạn. Bạn ấy là người không tôn giáo nhưng tham gia nhóm Sinh viên Công giáo Xuân Hòa rất tích cực, hăng say.
Chẳng hiểu từ bao giờ tôi và bạn ấy thân nhau, hình như do học cùng khoa, ở cùng một xóm trọ, cùng tham gia nhóm Sinh viên Công giáo… Nhưng có lẽ, chúng tôi thân nhau từ khi hai đứa thành lập và là thành viên trong “Đan viện Ca-tô”. Nói đến “Đan viện Ca-tô” chắc chẳng ai hiểu gì ngoài những người tham gia nhóm Sinh viên Công giáo Xuân Hòa. Sinh viên mà! Nghịch ngợm, sáng tạo trong hồn nhiên, vô tư của tuổi trẻ, từ Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất mà sinh viên “chế” ra “Tu hội hiệp hai”, từ Đan viện Xi-tô lại xuất hiện “Đan viện Ca-tô”, cũng có sơ tổng quyền, các chị giáo, cũng có ban này, ban kia. Tất cả hoạt động trong sự vui vẻ, thoải mái mang lại bình an, hạnh phúc cho nhau. Cái tên “Ca-tô” bắt nguồn từ những lần sinh viên tụ tập ăn uống, ăn bằng “ca”, uống bằng “tô”, cứ vui vẻ trải chiếu hát hò, có khi một cốc nước mía to, cắm bốn, cắm năm chiếc ống hút vào rồi mọi người cùng uống chung; hay một chảo cơm rang để ở giữa, mọi người cầm thìa bón cho nhau ăn. Như thế vui lắm, hình như chỉ có sinh viên mới được như vậy! Về đời sống thiêng liêng mọi người cùng cầu nguyện cho nhau, tôi còn nhớ hôm “chị giáo” nhắn tin cho tất cả các thành viên cùng hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Giu-se, ông của một bạn trong “Đan viện” mới qua đời… Có thể chỉ đơn giản vậy thôi nhưng cũng đủ gắn kết mọi người với nhau trong tình HIỆP NHẤT. Đấng bảo trợ của “Đan viện” là thánh Batôlômêô tông đồ. Chọn tên gọi ấy vì tên của thánh có chữ “Ba-tô” gần gần với “Ca-tô”. Thêm vào đó, những vần “ô” liên tiếp trong tên gọi của Ngài thật dễ thương, chúng tôi thấy sự tròn đầy, vừa vặn giống như những khuôn mặt tròn tròn, dáng mập mập đáng yêu của các thành viên. Có lẽ, khi thấy sự nghịch ngợm, sáng tạo của chúng tôi thánh cũng bật cười! Từ “Đan viện” này, tôi và bạn ấy nói chuyện với nhau nhiều hơn, chia sẻ cuộc sống nhiều hơn. Bằng tuổi nhưng bạn ấy gọi tôi là chị, vì tôi cũng được bầu làm “bề trên”. Tiếng chị em cất lên thiết tha, đằm thắm, gần gũi, thân thương… Thật vui! Thật ấm áp!
Tôi cảm nhận được sự chân thành, sâu sắc từ người bạn ấy. Có lần, nỗi buồn ập đến với tôi mạnh mẽ như nước lũ đang xối xả ùa về, tôi đang bơ vơ, lạc lõng giữa đường không biết nương tựa vào đâu. Lúc đó tôi thấy Chúa như đang trao đến tôi một Thánh giá nặng nề, dài thượt, có cả gai đang cào xước vào da thịt khiến tôi ứa máu. Đó là tin bố tôi ốm nặng, đứng trước căn bệnh ấy, tôi chỉ biết khóc trong yếu đuối, chẳng thể nào phó thác, chẳng thể nào đứng lên-tôi sợ mất bố!… Trong lúc tưởng như cô đơn, tuyệt vọng nhất, người bạn ấy, người em ấy đến bên tôi, cùng ôm tôi khóc, cùng nắm lấy bàn tay yếu mềm mà truyền sức mạnh cho tôi. Hai người cứ khóc nức nở, nước mắt cứ trượt dài trên má, cổ họng nấc liên tục mà không nói với nhau được một câu nào. Bạn ấy cầm lấy tay tôi kéo thật mạnh ra đến Đền Đức Mẹ trước nhà thờ Yên Mĩ. Mọi thứ xung quanh yên ắng, tĩnh mịch, chỉ có hai nguời quỳ gối trước Mẹ khóc, tiếng khóc cứ sụt sùi mãi. Hình như lúc đó Mẹ nhìn chúng tôi, Mẹ cũng khóc, Mẹ cũng cảm thương… Chẳng biết bạn ấy nói gì với Mẹ nữa nhưng có thể là lời cầu xin cho tôi được bình an, cho bố tôi khỏi bệnh. Nghĩ đến hình ảnh của một cô gái lương dân quỳ trước Đức Mẹ khóc nức nở nguyện cầu, tôi thấy đó thật đẹp, thật ý nghĩa. Viết lên những dòng chữ này nước mắt tôi lặng lẽ rơi xuống thấm qua từng trang giấy, mắt nhòe cay cay, lòng lắng lại.
Có lẽ, lời nguyện cầu của bạn Mẹ đã nghe thấu, Mẹ hiểu được sự chân thành. Tôi về quê và nhận được tin bố đỡ hơn, tình trạng sức khỏe đã ổn. Tôi hạnh phúc lắm, cầm ngay chiếc điện thoại gọi cho bạn báo tin. Tôi vẫn nhớ như in lời bạn nói: “Chúc mừng chị! Ôi thế tốt quá rồi! Vui quá! Đức Mẹ làm phép lạ đấy! Chúc mừng, chúc mừng chị!”. Lời chúc mừng vang lên từ người bạn, người em khiến tôi ấm lòng, nghe được tiếng cười giòn tan qua điện thoại tôi thấy vỡ òa trong hạnh phúc, chẳng từ ngữ nào lột tả hết được. Đúng là hai trạng thái cảm xúc đối lập nhau, hôm trước khóc nức nở, lặng yên không nói-hôm nay tiếng cười vang xa, lời chúc mừng cứ liên tục, liên tục, nhưng cùng chung ý hướng tới Đức Mẹ… Thế đấy! Người bạn, người em tuyệt diệu mà Thiên Chúa gửi đến cho tôi.
Tôi còn nhớ tháng 11 vừa qua, nhóm Sinh viên Công giáo Xuân Hòa tổ chức ra nghĩa trang cầu nguyện cho các linh hồn. Bạn ấy cũng đi cùng, tôi nhớ nhất lúc ra về, hai chị em về cuối cùng nắm tay nhau đi trên con đường gió lạnh thổi buốt giá, cùng nhau đi vòng quanh nhà thờ. Cứ Đi Thôi, bàn chân rảo bước, ánh trăng sáng và cao đang soi rọi cho bóng người. Tôi thấy trăng sáng tỏ hơn so với ngày siêu trăng trước đó, chị em trong nhà các dì cũng trải chiếu hát hò ngắm siêu trăng. Trăng hôm nay tĩnh lặng, trầm buồn hơn nhưng trái tim hai đứa lại thổn thức, miên man. Cứ Đi Thôi, tôi và em thấy tượng các thánh đều cúi chào như người con đang cung kính. Cúi chào thánh Đa Minh, cúi chào thánh Martino, em chào thánh Matino rồi cười nói: “Thánh ơi, da thánh đen quá!” Nghe câu nói đơn sơ, thật lòng của em tôi cũng buồn cười… Rồi tới thánh Têrêsa Hài đồng Giê-su, em hỏi tôi: “Ơ! Cũng Têrêsa à chị, đấng bảo trợ của nhóm sinh viên mình cũng tên Têrêsa”. Câu nói của em khiến tôi vui lắm vì em nhớ đến đấng bảo trợ của nhóm sinh viên công giáo Xuân Hòa. Tôi nói cho em về các thánh cùng tên Têrêsa, có ba thánh là Têrêsa Hài đồng Giê-su, mẹ Têrêsa Calcutta và thánh Têrêsa Avila quan thầy của nhóm. Chẳng nói nhiều, chẳng kĩ càng nhưng vậy thôi cũng đủ, đủ để em biết qua, đủ để hai người cùng chia sẻ… Cứ Đi, nhìn sang hai bên có nhứng bức hình vẽ tượng trưng các thánh ngộ nghĩnh, đáng yêu, dễ thương, đó là mặt cười, là bàn tay và ghi những dòng chữ “các thánh là những người biết quan tâm đến người khác”, “là những người biết cho đi”, “là những người biết chấp nhận trong vui vẻ”,… nhiều, nhiều lắm, hai chị em đọc rồi bảo nhau cùng cố gắng để nên thánh. Gió thổi như thế nhưng hai người không còn thấy lạnh vì trái tim được sưởi ấm, được trao ban niềm vui, hạnh phúc trong sự chia sẻ, được lắng đọng tâm hồn, bình an và rảo bước.
Người bạn, người em của tôi hay lắm, mơ những giấc mơ buồn cười cũng kể cho tôi nghe. Hôm em mơ về tôi, em thấy tôi mặc bộ quần áo đen từ chân lên đầu, đội mũ có viền trắng đang đứng trong nhà thờ cầu nguyện. Thực ra đó là tu phục của Hội dòng Mến Thánh Giá mà tôi đang tìm hiểu, em không biết nói là mặc áo dòng hay đội lúp mà cứ đơn sơ như vậy. Em nói xong cười thật duyên với chiếc răng khểnh đáng yêu, xinh xắn, nụ cười em lan tỏa đến mọi người khiến ai cũng vui vẻ. Vậy là thấy hạnh phúc, ấm lòng rồi! Em còn hát thánh ca, hát bài Cảm mến ân tình mà tôi hay hát, câu hát ngân nga vang lên: “Đời con luôn thắm tươi, nhờ Tình Yêu ngày đêm dưỡng nuôi, hồn trào dâng ngàn muôn tâm tình chơi vơi. Nép trong cánh tay Ngài con hạnh phúc ngây ngất không ngơi, ôi tình Chúa êm như khúc ca tuyệt vời…” Tôi thích bài hát này lắm, lời chính là cảm xúc từ nơi cung lòng, nhạc thì êm ái, du dương. Đúng thật là tuyệt vời Chúa ơi! Em cứ nghe bài nhạc này hoặc những lời hát tương tự em lại nhớ đến con. Đặc biệt thế đấy!…
Hình như bạn là một món quà mà Thiên Chúa gửi đến cho tôi, không phải hình như nữa mà là sự thật. Tôi chỉ biết tạ ơn Thiên Chúa. Trời lạnh, tay tôi cứng lại, tôi bước ra khỏi phòng đi dạo một vòng quanh xóm trọ. Tôi thấy cái lạnh thấu người, gió lạnh cùng mưa phất phơ khẽ va vào người, quệt ngang vào mặt, quệt vào đôi môi khô nẻ khiến tôi hơi sót một chút. Đang đi trên sân, đưa mắt tới phòng của em thấy cửa đã đóng nhưng đèn học phía trong vẫn sáng. Có lẽ, em vẫn còn thức để ôn thi, tôi đứng lại và dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, xin Chúa giúp em học tốt và thi thật tốt. Tôi lại trở về phòng, lúc đó là 0h26 phút. Tôi chẳng ngủ được, cứ nghĩ tới người bạn, người em tâm tình này. Em đã sống với tôi, cho tôi nhiều thứ là lời động viên, chia sẻ, cảm thông, tôi học được em sự chân thành, cho đi, giúp đỡ… Em là người không tôn giáo nhưng tôi lại thấy ấm áp đến thế. Nhớ lại lời thánh Phao-lô: “Dầu là Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”. Hai người cùng sống trong ngôi nhà Sinh viên Công giáo Xuân Hòa, cùng được nên một trong Thiên Chúa, cùng được gắn kết yêu thương với nhau… Bài thơ quen thuộc này phảng phất trong đầu tôi:
“Tôi hỏi đất:
– Đất sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
– Nước sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
– Cỏ sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
– Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người:
– Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người:
– Người sống với nhau như thế nào?”
(Hỏi-Hữu Thỉnh).
Đất, nước, cỏ cây còn biết “tôn cao nhau”, “làm đầy nhau”, “đan vào nhau làm nên những chân trời”. Vậy con người thì sao? Ba câu hỏi liên tục của nhà thơ vẫn bỏ ngỏ, vẫn im lặng để trái tim mỗi người lên tiếng. Tôi, bạn, chúng ta cùng suy nghĩ.
Phải chăng, đó là HIỆP NHẤT… Bởi lẽ ai trong chúng ta cũng cần có bàn tay, đôi chân tiếp sức, cần có con tim và bờ vai cảm thông, chia sẻ những lúc khốn khó trong đời. Giống như bản thân tôi, người bạn đến nâng tôi lên, làm đầy trái tim, lấp đi khoảng trống tinh thần và hai người hòa vào nhau hướng đến bầu trời hi vọng, khi đó nỗi buồn sẽ vơi đi, niềm vui lại được nhân lên gấp bội. HIỆP NHẤT không phải cao xa vời vợi ở đâu mà là ở ngay những người bạn xung quanh mình, ngay nơi nhóm sinh viên công công giáo,… để lan tỏa, cho đi từng giọt yêu thương, động chạm vào từng ngõ ngách nơi thẳm sâu tâm hồn. Chỉ có HIỆP NHẤT, tin tưởng, sống chết với nhau trong tình yêu huynh đệ mới tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh chiến thắng cô đơn, thất vọng, buồn phiền. Hi vọng rằng, tôi, bạn, tất cả chúng ta cùng nên một trong Tình Yêu Thiên Chúa và sống theo lời khuyên của thánh Phao-lô: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa các anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau”.
Lễ truyền thống Hội Sinh viên Công giáo Tổng giáo phận Hà Nội lần thứ XIX, cũng trong tâm tình HIỆP NHẤT, có lẽ sẽ vui lắm, nhiều cảm xúc lắm. Tất cả các nhóm sinh viên đều tập trung về thánh đường Sở Kiện cùng chung một ý hướng quy tụ trong Đức Ki-tô. Bài cử điệu chủ đề của Đại hội là “Hiệp nhất phục vụ”, tôi cứ tưởng tượng ra khung cảnh của ngày hôm đó với hơn hai nghìn bạn sinh viên nắm tay nhau trong yêu thương cùng hát, cùng nhảy theo điệu nhạc: “Nay ta về đây muôn con tim hiệp nhất yêu thương, cùng chung tay ta đắp xây nên tình phục vụ, dù chông gai ta sánh vai qua ngày tháng dài, lòng miệt mài vững đôi chân về mãi tương lai. Cùng chung bước chung bước theo Đức Giêsu phục vụ. Cùng chung tay chung tay ta xây nên tình hiệp nhất. Làm nhân chứng cho Chúa ta sống hiệp nhất phục vụ. Cùng Giêsu ta đi ta đi tới vùng ngoại vi…”. Bài nhạc sôi động thể hiện đúng tinh thần trẻ trung, năng động của các bạn sinh viên; ca từ sâu sắc, đầy ý nghĩa. Dường như bài hát chính là lời muốn nói, mong muốn, ước vọng của tất cả mọi người…
Người bạn của tôi cũng đến với Lễ truyền thống Hội Sinh viên Công giáo Tổng giáo phận Hà Nội lần thứ XIX này, tôi tin chắc rằng bạn ấy và tất cả mọi người sẽ có những cảm giác vừa bay bổng, sôi nổi, ngập tràn tiếng cười; vừa bình yên, sâu lắng trong phút hồi tâm cầu nguyện. Tất cả hứa hẹn ngày Đại hội thành công rực rỡ, lan tỏa sức mạnh tuổi trẻ, tình HIỆP NHẤT đến khắp muôn phương.
Link fb:
Lưu ý:
– Hình thức chấm:
Cách tính điểm như sau: (50% dựa trên lượt like, share + 50% ban giám khảo)
+ 1 like = 1 điểm
+ 1 share = 2 điểm
Hình thức bình chọn hợp lệ khi thực hiện đầy đủ các bước sau:
+ Bước 1: Like Fanpage Hội SVCG TGP Hà Nội
+ Bước 2: Like bài dự thi trên Fanpage Hội SVCG TGP Hà Nội
+ Bước 3: Chia sẻ bài dự thi ở chế độ công khai với hashtag: #LTTSVCGTGPHN19
Thời gian bình chọn: Từ thời điểm đăng bài đến 23h59 ngày 15/12/2016
Chúc tất cả các bạn một kỳ lễ truyền thống nhiều niềm vui và ý nghĩa
#ltthoisvcgtgphanoi19