Về nơi Đất thánh: Trung tâm Hành hương thánh Phêrô Lê Tùy – Bằng Sở

TTHH Bằng Sở – Nơi được vang danh bởi sinh ra và nuôi dưỡng Thánh Phêrô Lê Tùy cùng với truyền thống đạo đức sốt sắng là điểm đến của Hội SVCG TGP Hà Nội trong dịp Lễ Truyền thống lần thứ 20 này.

Nhìn từ xa thôn Bằng Sở, ngôi Thánh đường TTHH đã sừng sững hiện lên.

TTHH Bằng Sở có tên đầy đủ là TTHH Thánh Phêrô Lê Tùy – Bằng Sở, thuộc giáo họ Bằng Sở, giáo xứ Sở Hạ, Tổng giáo phận Hà Nội (địa chỉ: thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Nơi đây đang được Cha Giám đốc Antôn Trần Quang Tiến phụ trách cùng sự mục vụ từ Cha Giuse Trần Ngọc Long.

Dưới đây là những thông tin về nơi đặc biệt này:

I. LƯỢC SỬ làng Bằng Sở

Làng Bằng Sở vốn là một làng ở đất Kinh Kỳ (Tràng An) trong thành Thăng Long xưa. Dân làng sống quây quần ổn định và đã xây được một Đình làng tức Đình Hàng Cót sau này. Để nhắc nhở con cháu muôn đời sau sống cho thanh lịch văn minh xứng đáng với nguồn gốc người Kinh Kỳ của mình. Cho nên sau khi di chuyển về nơi định cư mới, nhiều đời sau người dân Bằng Sở còn truyền tụng câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An”

Vào đầu thế kỷ XI Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Nhà vua muốn mở rộng kinh thành nên cho di rời một số làng xã cho phù hợp với quy hoạch. Bằng Sở là một làng trong diện đó và đã di rời xuống phía Nam định cư tại vị trí hiện đang ở bây giờ.

Lúc mới về định cư, số người còn rất ít và tập trung vào 4 dòng họ là: Lê – Phạm – Phùng – Đỗ. Đáng chú ý là dòng họ Lê, họ của Thánh Lê Tuỳ sau này. Người dân hoàn toàn theo đạo Nho và đạo Phật, hàng năm dân làng vẫn tổ chức về tế lễ tại đình Hàng Cót. Tục lệ này kéo dài mãi cho tới thế kỷ XIX khoảng giữa triều Nguyễn mới thôi (cũng vì lễ lúc này làng đã theo đạo Công Giáo nhiều)

Bước đầu mới về định cư do hoàn cảnh đồng nước mênh mông nên dân sống bằng nghề đánh bắt tôm cá, vì thế họ đã tự tạo ra dụng cụ đánh bắt là đan lờ đó, đan dậm, đan giỏ bằng tre nứa. Về sau cải tiến đan các đồ dùng khác như nón, mũ đội đầu, đan vali đựng quần áo và nghề hàng tre hình thành từ đó. Các quan lại thời đó đặt mua cho lính đội đầu nên gọi là nón lính.

Từ năm 1900, Quan lại và Thương gia Pháp đã mua để gửi về Chính Quốc, về sau mua nhiều thì hàng tre Bằng Sở thành mặt hàng xuất khẩu, người dân gọi là hàng Tây. Năm 1926 hàng được trưng bầy tại hội chợ triển lãm tại nhà Đấu Sảo Hà Nội. Đến năm 1930 được sự giúp đỡ của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phú, Cụ Đỗ Văn Chấp đại diện cho dân làng đem hàng tre đan đi trưng bày tại Hội chợ Pari – Pháp, qua cuộc triển lãm này Cụ được phong hàm Cửu phẩm. Từ sau cuộc triển lãm hàng tre đan Bằng Sở được biết đến nhiều ở Pháp.

Trong thời gian này quan công sứ Pháp đã cho dựng một biển trước cổng làng với hàng chữ: “Vanerie de Bằng Sở” để đánh dấu một làng nghề, biển này được tồn tại cho tới năm 1948 khi lính Pháp về đóng ở làng mới bị pha bỏ.

Hàng tre đan Bằng Sở được duy trì và phát triển cho đến Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939 – 1945) do có nhiều biến động trên thế giới và ở Pháp nên hàng tre đan Bằng Sở không xuất khẩu được nữa.

Năm 1954 Hoà bình lập lại hàng tre được khôi phục và phát triển mạnh nhất là những năm 1966 đến năm 1972 hàng tre Bằng Sở được công nhận là “Lá cờ đầu” của ngành thủ công nghiệp Hà Tây. Và đến tháng 01 năm 2001 được UỶ BAN TỈNH cấp bằng công nhận LÀNG NGHỀ.

Hàng tre đan xuất khẩu là nguồn thu chính của người dân chiếm 70% tổng thu nhập lúc đó. Nay pha tạp nhiều ngành nghề dịch vụ nên doanh thu chỉ còn 50%.

Hiện nay, TTHH còn đang trong thời gian xây dựng, hoàn thiện.

II. LƯỢC SỬ TTHH Bằng Sở:

1. Quá trình hình thành và phát triển

Lúc đầu mới dựng làng cho đến đầu Thế kỷ XVII toàn bộ dân trong làng theo đạo Nho và đạo Phật. Đạo Công Giáo được chớm nở ở năm 1627 – 1628. Vì người làng thường dọc theo sông Kim Ngưu về Kinh Thành bán hàng tre và họ đã được biết một Giáo Sĩ ngoại quốc biết nói tiếng Việt, lời lẽ giảng thuyết thật mới lạ, lại rất hay. (Sau này mới biết đó là Đức Cha Đắc Lộ). Người dân trong làng biết về đạo Chúa từ đó. Về dau đến những năm 1631 – 1638 đường đi lại trên Sông Hồng và sông Kim Ngưu rất thuận tiện (Bằng Sở nằm trên bờ sông Kim Ngưu) các Giáo sĩ Phương Tây vào giảng đạo lúc này người dân Bằng Sở theo đạo khá đông. Đến giữa Thế kỷ XVII (khoảng 1641 – 1650) thì gần hết làng đã theo đạo và hình thành làng Công Giáo như TTHH Bằng Sở hiện nay.

2. Nhà Thờ TTHH Bằng Sở

Từ khi người dân Bằng Sở theo đạo thì Nhà Thờ được xây dựng. Lúc đầu làm bằng tre gỗ và lợp lá. Nhà thờ này cũng đã tồn tại trên trăm năm. Sau đó được dỡ bỏ và thay thế bằng ngôi Nhà Thờ lớn hơn, kiên cố hơn, diện tích khoảng 150 m2. Đến năm 1917 thì Giáo Họ hoàn thành một Nhà thờ khác (Nhà thờ hiện nay) Diện tích khoảng 390 m2. Nhà Thờ cũ vẫn còn chuyển thành nhà ở của Linh mục. Năm 1948 thực dân Pháp về đóng bốt tại nhà thờ, họ đã dùng nhà thờ chính để ở, phá đi nhà thờ cũ (để có tầm nhìn ra bên ngoài).

Sau ngày hoà bình lập lại giáo họ đã nhiều lần sửa chữa tu bổ và gìn giữ. Những năm gần đây xung quanh nhà thờ lại xây được những công trình:

–         Đền Thánh Lê Tuỳ.

–         Hội Trường.

–         Nhà Giáo Lý – Nhà sách.

–         Nhà khách (Linh mục ở)

Vì thế toàn bộ khu nhà thờ hiện nay rất khang trang đẹp đẽ tổng diện tích là 7918 m2.

3. Giáo hữu Bằng Sở sống đạo

Người Kitô Hữu trong TTHH Bằng Sở từ xưa đến nay vốn hiền lành chăm chỉ, thầm lặng sống với nhau chan hoà vui vẻ, đoàn kết trong tình nghĩa xóm làng, một lòng thờ phượng Chúa và sốt sáng việc tông đồ truyền giáo:

–         Từ những năm xa xưa cuộc sống còn khó khăn, nhiều người các nơi lang thang cơ nhỡ đến làng đều được giáo họ rửa tội và tạo cho họ lập nghiệp tại làng (vì thế lúc đầu có 4 họ thì hiện nay 19 họ)

–         Những người ngoại giáo trong làng hoặc lân cận, khi gặp khó khăn hoạn nạn trong cơn hấp hối, dân họ đã đến xin về rửa tội cho họ và lo mai táng chu đáo đàng hoàng.

–         Trong những ngày giặc Pháp về đóng bốt tại nhà thờ, dân họ đã nhờ một gia đình trong Giáo họ có nhà cửa sân vườn rộng rãi cho mượn để làm nhà thờ tạm. Trong suốt hơn hai năm (Từ tháng 2 năm 1948 đến tháng 6 năm 1950) Giáo hữu vẫn thường xuyên ngày 3 buổi: sáng, trưa, tối lại tới đọc kinh cầu nguyện. Những ngày lễ lớn như lễ Thánh Lê Tuỳ, lễ Phục Sinh (năm được chưa lễ) vẫn được tổ chức đàng hoàng long trọng.

–         Có lẽ nhờ đó mà Giáo Họ đã được Hồng Ân Chúa ban. Lúc đầu là một làng thuần Lương và Nho Giáo thì đến nay số người Công Giáo là 1309 khẩu chiếm 90.2% số dân trong làng.

–         Các đoàn hội Công Giáo đã có từ những năm đầu của Thế kỷ XX, nhưng đến những năm kháng chiến chống Pháp thì lắng xuống, tan vỡ. Sau ngày Miền Bắc được giải phóng (Tháng 5 / 1954) thì các đoàn hội được phục hồi và thành lập.

–        Giáo Họ Bằng Sở cũng đã dâng hiến cho Hội Thánh Công Giáo Việt Nam 10 Linh Mục:

  1. Cha thánh Phêrô Lê Tuỳ (1773 – 1833)
  2. Cha Phêrô Nguyễn Văn Ất (1851 – 1921)
  3. Cha Anrê Nguyễn Văn Hiếu (1857 – 1915)
  4. Cha Hiếu là em ruột Cha Ất
  5. Cha Phêrô Nguyễn Văn Tôn (1883 – 1967)
  6. Cha Antôn Bùi Văn Phương (1902 – 1997)
  7. Cha Gioan Đỗ Văn Cơ (1914 – 2004)
  8. Cha AnBecTô Nguyễn Văn Hoà – Định cư tại Pháp – Chuyên dịch sách
  9. Cha Giuse Nguyễn Bá Long – Cha giáo chủng viện Thánh Quý Cần Thơ
  10. Cha Phêrô Bùi Ngọc Tuấn – Chính xứ Bái Xuyên
  11. Cha Phêrô Phạm Huy Hoàng – Cha giáo Học viện Đông Bốt Cô Đà Lạt
Về nơi Đất thánh: Trung tâm Hành hương thánh Phêrô Lê Tùy - Bằng Sở
Ngôi Thánh đường TTHH Bằng Sở lung linh về đêm

Ngọn Nến – BTT Hội

Tài liệu: denthanhpheroletuy.net

SVCG TGPHN

Chú ý: Thông tin đăng tải trên website được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Các bạn hãy chỉ lấy nó để tham khảo và ứng dụng vào bản thân. Hiện tượng bị lừa đảo do quá mê tín xảy ra rất nhiều nên các bạn hãy cẩn thận. Chúc các bạn may mắn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống!

Leave a Reply

Back to top button