Thánh Phêrô Lê Tùy: “Phần tôi, tôi không sợ chết, vì ai cũng phải chết một lần…”

Cha Tuỳ điềm đạm trả lời: “Cám ơn quan đã muốn cứu tôi, nhưng lương tâm một vị Đạo Trưởng Thiên Chúa, không cho phép tôi làm theo ý quan. Phần tôi, tôi không sợ chết, vì ai cũng phải chết một lần…”. Và sau đó là những ngày Cha Tuỳ bị giam giữ trong ngục cho đến ngày chịu trảm khuyết.

“Dù ai xuôi ngược nơi đâu,

Mười một tháng mười rủ nhau mà về,

Bằng Sở ấy chính là quê,

Lê Tùy Hiển Thánh đúng kỳ giỗ Cha”

Trong dịp Lễ Truyền thống lần thứ 20 này, Hội SVCG TGP Hà Nội được tổ chức tại TTHH Bằng Sở, nơi có vị thánh Phêrô Lê Tùy đáng kính. Xin mời quý độc giả cùng anh chị em sinh viên, giới trẻ đọc hiểu thêm về vị thánh nhân này.

1. QUÊ HƯƠNG VÀ THỜI THƠ ẤU

Năm 1773, tại làng Bằng Sở, có một gia đình họ Lê sinh được một người con trai và đặt tên là Lê Tuỳ. Cũng năm ấy linh mục tiên khởi của Giáo đoàn Việt Nam là Cha Vixentê Liêm chịu tử vì đạo.

Lê Tuỳ càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, đạo đức, chăm chỉ làm việc. Mọi người trong làng đều nói: “Lê Tuỳ thật hiền lành ngoan ngoãn”. Năm 10 tuổi, cha mẹ đều lâm bệnh và lần lượt qua đời nên Lê Tuỳ về ở với ông ngoại. Ông ngoại Lê Tuỳ là một nhà Nho, nên Lê Tuỳ sớm được giáo dục theo nề nếp đạo đức, văn hóa Nho giáo.

Bằng Sở thời ấy là họ lẻ thuộc xứ Yên Duyên (nay là xứ Sở Hạ) do cha Nghiêm coi sóc. Mỗi lần xuống Bằng Sở dâng lễ, ngài đều đến thăm ông ngoại Lê Tuỳ. Nhiều lần cha Nghiêm nói: “Lê Tuỳ có trí thông minh, ngoan ngoãn nết na, cụ hãy cho Lê Tuỳ dâng mình vào nhà Chúa thì tốt đẹp lắm”, ông ngoại vốn đạo đức nên vâng ý cha ngay; điều ấy lại đúng như lòng mong ước của Lê Tuỳ. Năm tròn 12 tuổi, Lê Tùy theo cha Nghiêm xuống bến đò Kệ, ngược dòng Kim Ngưu về xứ Yên Duyên thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài.

Đền Thánh Phê-rô Lê Tùy.

2. SỨ MỆNH TÔNG ĐỒ

Cha Nghiêm cho Lê Tuỳ theo học trường Kẻ Vĩnh (xã Vĩnh Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Năm 1798, cha Nghiêm được bài sai làm cha chính Địa phận Nghệ Tĩnh (gồm 3 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình, nay là Giáo phận Vinh) dẫn Lê Tuỳ (lúc này đã được phong Phó Tế) đi giúp.

Năm 1800, thày Tuỳ được Đức cha An-rê Hậu truyền chức linh mục tại Nhà thờ Thọ Kỳ (tỉnh Hà Tĩnh). Sau đó giúp xứ Đông Thành, rồi vào Đá Dựng (Lập Thạch). Sau 17 năm giúp 2 xứ trên, người làm chính xứ Kẻ Đòn (Quy Chính – Vạn Lộc) thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Cha Tuỳ là một linh mục nhiệt thành hăng hái, đạo đức, hiền hoà đến mức Đức cha Lơ Mốt đã nói: “Không ai là không bằng lòng với Cha Tuỳ”.

Thánh Phêrô Lê Tùy: “Phần tôi, tôi không sợ chết, vì ai cũng phải chết một lần...”
Bàn thờ Thánh Phêrô Lê Tùy

3. KHÔNG SỢ CHẾT

Năm Minh Mạng thứ XIV có chiếu chỉ cấm đạo, các quan Nghệ An sai quân lính dò thám rình mò, lùng bắt các linh mục. Dù bị cấm cách muôn vàn khó khăn nhưng Cha Tuỳ vẫn trốn lẩn và tìm mọi cách để con chiên trong lúc hấp hối được lãnh nhận các Bí Tích.

Ngày 25/6/1833, Cha Tuỳ bị bắt khi đi xức dầu cho người bệnh ở Thành Trai (một họ đạo nhỏ nằm giữa hai làng ngoại giáo). Giáo dân biết tin đã đến quan huyện xin nộp tiền chuộc Cha. Quan huyện Thanh Phong bằng lòng nhưng với điều kiện: Cha Tuỳ phải nhận mình là thầy thuốc đi thăm bệnh nhân. Cha Tuỳ cương quyết từ chối, vì thế mà Người bị giải về tỉnh phủ Nghệ An. Mấy ngày sau ra công đường quan hỏi: “Ông có phải là Đạo trưởng Giatô không?”. Cha Tuỳ trả lời: “Phải, tôi là Đạo trưởng Đạo Thiên Chúa”.

Quan án liền nói: “Này ông, hãy nghe tôi, ông đã già rồi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng thương hại, không ai muốn ông phải kết án tử hình, tôi cũng không muốn thế, vậy ông hãy làm giấy khai mình là thầy thuốc, như thế tôi sẽ cứu ông khỏi chết nhục hình, ông không sợ chết sao?”.

Cha Tuỳ điềm đạm trả lời: “Cám ơn quan đã muốn cứu tôi, nhưng lương tâm một vị Đạo Trưởng Thiên Chúa, không cho phép tôi làm theo ý quan. Phần tôi, tôi không sợ chết, vì ai cũng phải chết một lần…”. Và sau đó là những ngày Cha Tuỳ bị giam giữ trong ngục.

Về việc không nhận là thầy thuốc: Tiến sĩ Trần An Bài trong cuốn “Thiên Hùng Sử” 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam đã viết: “Nếu xưa trong Kinh Thánh có truyện cụ già Êlêzarô không thèm giả bộ ăn thịt cúng để được tha chết (2 Mcb 6, 18 – 28), thì ở Việt Nam có Thánh Lê Tuỳ không khai man mình là thầy thuốc, không dấu chức vụ mình là linh mục… Cái chết của Cha đã để lại cho giáo hữu Việt Nam và toàn cầu một lưu niệm sâu sa về đạo đức”.

4. VUA Ở TRÊN LUẬT

Vua Minh Mạng vốn ghét Đạo Thiên Chúa, bất chấp điều luật nhân đạo truyền thống của dân tộc, nên ngày 10 tháng 10 năm 1833, quan tổng đốc Nghệ An nhận được lệnh vua: “Tên Lê Tuỳ đã xưng là Đạo Trưởng và truyền tà đạo cho dân, phải trảm quyết”.

Được tin Cha Tuỳ lộ vẻ vui mừng: “Thật tôi không dám trông đợi ơn cao trọng này Chúa đã ban cho tôi, tôi cảm tạ ngợi khen Chúa”.

Sáng hôm sau ngày 11 tháng 10 năm 1833 là ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Cha bị giải ra pháp trường ở chợ Quán Bầu – Nghệ An để chịu xử trảm. Cha vui vẻ bình tĩnh lạc quan đến nỗi quan quân và dân chúng đều nói: “Chưa bao giờ thấy ai chịu xử tử mà can đảm như vậy”.

Cha Tuỳ đã chịu trảm quyết vào giờ Thìn ngày 28 tháng 8 năm Minh Mạng thứ XIV. Tức ngày 11 tháng 10 năm 1833.

Thánh Phêrô Lê Tùy: “Phần tôi, tôi không sợ chết, vì ai cũng phải chết một lần...”

Chân dung Cha thánh Phêrô Lê Tùy.

5. CÁC DẤU LẠ

Trước giờ trảm quyết Cha quì trên chiếu cầu nguyện. Cha từ chối không nhận tiền vua ban cho tội nhân để ăn uống trước khi xử tử và Cha tiếp tục cầu nguyện.

Lời khuyên nhủ cuối cùng Cha dành cho ông Bênađô Thứ (Người theo giúp việc Cha Tuỳ): “Con hãy vững lòng bền chí, rồi con cũng được phần thưởng muôn đời”.

Rồi Cha đáp lễ với ông, mọi người đều bùi ngùi xúc động.

Cha nói với quan: “Tôi đã sẵn sàng”.

Một tên lính vung gươm đầu Cha rơi xuống và hồn Cha về hưởng

phúc trường sinh. Một nhân chứng trong hồ sơ phong Chân Phước đã thuật lại rằng: “ Lúc ấy trời đang quang đãng, bỗng mây đen kéo đến, bầu trời u ám, mọi người lấy làm lạ nói với nhau: Ông này linh thiêng làm sao mà trời đất sầm lại”.

Khi Cha bị bắt giam trong ngục, Cha thường cầu xin để quê nhà được biết tin.

Chúa đã nhận lời Cha, nên ngày Cha được phúc Tử Đạo làng Bằng Sở hôm ấy nước các ao hồ nổi sóng như vũ bão, động đất dữ dội, trong khi các làng xung quanh bình an yên ổn. Mọi người trong làng sợ hãi không biết điềm gì.

Cách ba hôm sau, một lái buôn ở Nghệ An ra kể chuyện: “ Hồi này trong tỉnh Nghệ An cấm đạo dữ lắm, quan quân tầm nã các Đạo Trưởng. Cách đây mấy hôm có Đạo Trưởng Lê Tuỳ phải trảm quyết”.

Lúc ấy dân làng mới hay tin và khóc lóc thảm thiết.

Giáo hữu xin quan đưa thi hài Cha về an táng tại Trang Nứa.

Về sau thi hài Ngài được chuyển về Nam Khê để giáo hữu kính viếng. Sau lại đưa Người vế Xứ Yên Duyên, cả họ Bằng Sở lên rước Cha về chính quê hương Bằng Sở.

Mấy năm sau khi cải táng, trong áo quan nước trong vắt, hương thơm xông ngào ngạt.
Kẻ ốm đau bệnh tật, hoặc mất của cải, gặp sự rủi ro đến xin Cha đều được như ý. Chính Đức Cha Mát–xông đã làm chứng điều đó, và ông Thứ cũng quả quyết: “ Nhiều bệnh nhân tuyệt vọng được khỏi bệnh nhờ xin Cha”.

  • Ngày 19/6/1840 Đức Thánh Cha Ghê-Gô-ri-ô XVI tôn vinh Cha Lê Tuỳ là Đấng đáng kính.
  • Ngày 27/5/1900 Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước.
  • Ngày 19/6/1988 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Cha lên Bậc Hiển Thánh.

Từ đó và nhất là hiện nay người người khắp nơi đến Bằng Sở hành hương xin ơn Thánh Lê Tuỳ và rất nhiều người được như ý xin.

Ngọn Nến – BTT Hội

Tài liệu: denthanhpheroletuy.net

SVCG TGPHN

Chú ý: Thông tin đăng tải trên website được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Các bạn hãy chỉ lấy nó để tham khảo và ứng dụng vào bản thân. Hiện tượng bị lừa đảo do quá mê tín xảy ra rất nhiều nên các bạn hãy cẩn thận. Chúc các bạn may mắn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống!

Leave a Reply