BÀI DỰ THI chủ đề “TÌNH HIỆP NHẤT” – Mã số 07

Maria Thanh AnSvcgniem Học-Viện-Quản-Lý Giáo-Dục
#LTTSVCGTGPHN19 #Maso07
“Hôn nhân gia đình

 


Dưới góc nhìn của một người trẻ Công giáo.
Gửi tặng những bạn đã, đang và sẽ lựa chọn đời sống hôn nhân gia đình.”
—————————————————
Nơi tôi sinh ra, hầu hết mọi người đều kết hôn dựa trên sự toan tính. Sự toan tính của chàng trai và cô gái thì ít hơn sự toan tính và áp lực từ hai bên gia đình. Người trẻ dù ở nhà làm kinh tế giúp bố mẹ hay đi học xa nhà, đều kết hôn với nhau vì sự “nhắm trước” hay vì sự “ưng ý” về tiềm năng kinh tế của hai bên. Chính vì thế, những tình yêu đích thực, trân quý thường ít khi tồn tại. Nếu có một hay vài cặp đôi, bỏ qua dư luận hay dị nghị về sự không tương xứng của hai gia đình, quyết vì tình yêu mà đến với nhau, thì thật biết họ đã dũng cảm đến thế nào. Biết trong số những hôn nhân “sắp đặt” kia, có nhiều người không hạnh phúc đấy. Nhưng vì cuộc sống, vì mưu sinh, vì đã làm cha làm mẹ, họ chẳng còn thời gian mà bận tâm hay suy nghĩ về tình yêu nữa. Nhờ có sự ràng buộc về hôn nhân trong đạo Công giáo mà họ vẫn sống cùng nhau đến hết đời.
Có nhất nhiều quan điểm khác nhau về tình yêu. Tình yêu trong văn chương nghệ thuật là cái cái đẹp, là điều không thể lý giải: “ Đố ai định nghĩa được tình yêu”. Theo y học, yêu là hoạt động làm cho huyết áp tăng, tim đập manh, bộ máy hô hấp làm việc dồn dập, các nơron thần kinh liên tục vận động. Hay đơn giản hơn, từ góc độ vật lý học, tình yêu đơn thuần chỉ là sự hút nhau giữa 2 điện cực trái dấu. Dưới góc độ tâm lý học, giáo sư Phạm Minh Hạc có viết: “Tình yêu đôi lứa – một vấn đề muôn thuở của loài người. Nó là sự phát triển phù hợp quy luật của tâm lý con người. Tình yêu đôi lứa cần cho con người như không khí, cơm ăn, nước uống”. Dù nhìn tình yêu theo khía cạnh nào, thì không ai dám khẳng định mình chưa một lần yêu. Nếu không là tình yêu nam nữ, thì chí ít cũng là tình yêu với người thân, với bố mẹ.
Để một đôi bạn trẻ tiến đến hôn nhân, tình yêu là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi quyết định lập gia đình, ngoài tình yêu, giới trẻ nói chung và các bạn trẻ Công giáo nói riêng quan tâm thêm nhiều yếu tố khác: điều kiện kinh tế, ngoại hình, học thức, quê quán… vậy nên, mới có quan điểm cho rằng: “Hiện nay, trong hôn nhân, tình yêu chỉ chiếm 30%, 70% còn lại phụ thuộc vào những yếu tố khác”.
Khác với hôn nhân về mặt xã hội, được hợp pháp hóa bằng “giấy chứng nhận kết hôn”, hôn nhân của những người tin vào Thiên Chúa, được hiểu một cách thiêng liêng hơn. Đó là một Bí tích do Chúa Giêsu đã lập, để kết hợp một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh, và Ngài ban ơn đặc biệt để giúp họ sống chu toàn nghĩa vụ. Từ góc độ này, có thể thấy hiện nay, người trẻ Công giáo đang quên đi sự góp mặt của Thiên Chúa trong tình yêu của mình. Chúng ta sẽ kết hôn với nhau vì nghĩ rằng: thứ nhất, qua một thời gian, đối phương đã đủ thấu hiểu mình; thứ hai là một trong hai người, hoặc chỉ cần một người (đa phần là nam giới) có công việc ổn định, với mức lương làm cơ sở cho cuộc sống; và thứ ba là gia đình hai bên đã biết nhau, đồng ý. Thế là kết hôn.
Có một điều, mặc dù là người Công giáo nhưng chúng ta quên rằng “tất cả là hồng ân”. Bởi, với một người Công giáo, trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả việc bạn gặp, yêu, cưới một người đều là do ý muốn của Thiên Chúa. Ngài đã sắp đặt cho bạn như vậy. Trên bước đường tình yêu, việc bạn quyết định từ chối người này, chia tay người kia vì áp lực gia đình, hay thậm chí là bị phản bội… và về sau, bạn kết hôn, chung sống với một người khác không phải là người yêu đầu; hay trong đời sống vợ chồng, bạn gặp khó khăn kinh tế, hiếm muộn con cái,…Thì tất cả cũng đều là ý Chúa. Đừng dừng lại. Thiên Chúa chỉ đang thử thách xem bạn có bỏ Ngài không mà thôi.
Một đám cưới diễn ra trước mặt Chúa và Hội Thánh thật sự là điều rất thánh thiêng. Ngoài sự công nhận về mặt luật pháp, cả hai đã nên “một xương một thịt” trong sự chở che của Ngài. Tuy nhiên, mỗi người trẻ Công giáo cũng cần xác định tâm lý rằng: “Bước vào cuộc sống hôn nhân, là bước vào một cuộc tử đạo liên lỉ không rỉ máu” (Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Hinh) với những áp lực và lo toan bộn bề. Những lúc như vậy, xin cả hai đừng quên mình đã có một sợi dây liên kết và hiệp nhất với Thiên Chúa. Hãy tìm đến với Chúa và lắng nghe tiếng Ngài. Từ thời Nguyên tổ Adam Eva, qua Cựu Ước, đến Tân Ước, chúng ta không khó để nhận ra, bàn tay yêu thương của Thiên Chúa luôn luôn quan phòng, trong sự tội, Ngài luôn cho những tia hy vọng bừng lên.
Sẽ không có một con số cụ thể nào, để cân đo đong đếm vai trò của các yếu tố (tình yêu, điều kiện kinh tế, ngoại hình, học thức…) trong đời sống hôn nhân gia đình. Chúng ta cũng không nên tin những chuyện tình hay đám cưới như phim sẽ đến với mình. Bởi, rất đơn giản thôi, nếu những điều đó có thật ngoài đời thì các biên kịch đã không mất công chuyển thể suy nghĩ, mong muốn của mình thành phim. Đến tận khi đặt chân vào đời sống gia đình, chúng ta vẫn sẽ không ngừng so sánh người vợ/người chồng của mình với những người đàn ông hay những người phụ nữ khác. Thậm chí, sẽ có lúc bạn ân hận vì sao mình lại lập gia đình và mong muốn chấm dứt hôn nhân. Đừng vội vàng. Thiên Chúa không cho phép. Hãy nhớ lại lý do cả 2 cùng bắt đầu, những điều cả hai đã cùng thề hứa, những khó khăn đã cùng nhau trải qua… Và nhất là nhớ lại Bí tích Hôn nhân cả hai đã cùng cử hành trước mặt Chúa và Hội Thánh để nguyện gắn bó với nhau mọi ngày đến suốt đời…
Nếu có ai hỏi, hình mẫu gia đình Công giáo hạnh phúc nhất là ai? Xin khẳng định là Gia đình Thánh gia. “Thánh gia quả thật là mẫu mực của sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân gia đình đối với con người của mọi thời đại. Xét về mặt trần thế, Thánh gia là một gia đình bình dân, phải lao động vất vả mưu sinh, từng gặp muôn vàn thử thách gian nan, Nhưng điều đó không ngăn cản Thánh gia trở nên gia đình hạnh phúc nhất của nhân loại: vợ chồng, cha mẹ và con hết mực yêu thương nhau; cả gia đình cùng thực thi ý muốn của Thiên Chúa” (Gioankim Trương Đình Giai).
Thiên Chúa mời gọi mỗi người nên Thánh trong chính bậc sống của mình. Đặc biệt với những người đang trong gia đình, với hai đặc tính của hôn nhân Công giáo là: đơn nhất và bất phân li, xin Chúa ban ơn cho các bạn trẻ đã hoặc đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình biết rằng, ngoài những thứ vật chất, hình thức hào nhoáng trần gian thì sự gắn bó, bất phân li của hai người và sự hiệp nhất giữa họ với Thiên Chúa, mới chính là nguồn suối mát nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Và xin Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu nhắc nhở mỗi người trẻ trong đời sống hôn nhân luôn ý thức rằng:
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp
Loài người không được phân li”…
#ltthoisvcgtgphanoi19
———————————-
Lưu ý:
– Hình thức chấm:
Cách tính điểm như sau: (50% dựa trên lượt like, share + 50% ban giám khảo)
+ 1 like = 1 điểm
+ 1 share = 2 điểm
Hình thức bình chọn hợp lệ khi thực hiện đầy đủ các bước sau:
+ Bước 1: Like Fanpage Hội SVCG TGP Hà Nội
+ Bước 2: Like bài dự thi trên Fanpage Hội SVCG TGP Hà Nội
+ Bước 3: Chia sẻ bài dự thi ở chế độ công khai với hashtag: #LTTSVCGTGPHN19
Thời gian bình chọn: Từ thời điểm đăng bài đến 23h59 ngày 15/12/2016
Chúc tất cả các bạn một kỳ lễ truyền thống nhiều niềm vui và ý nghĩa

SVCG TGPHN

Chú ý: Thông tin đăng tải trên website được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Các bạn hãy chỉ lấy nó để tham khảo và ứng dụng vào bản thân. Hiện tượng bị lừa đảo do quá mê tín xảy ra rất nhiều nên các bạn hãy cẩn thận. Chúc các bạn may mắn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống!

Leave a Reply

Back to top button