Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội
Vào năm 1984, Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao cây Thánh Giá cho những bạn trẻ trên toàn thế giới, đại diện bởi các bạn trẻ đến từ Trung tâm Giới trẻ Quốc tế Thánh Lawrence ở Rôma. Dịp này, ngài nói rằng: “Thân gửi đến những bạn trẻ về tham dự lễ bế mạc Năm Thánh, cha trao cho các con biểu tượng của Năm Thánh: đó là cây Thánh Giá của Chúa Kitô. Hãy mang nó đi khắp thế giới như là dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu cho nhân loại, và công bố đến tất cả mọi người rằng: chỉ trong sự chết và phục sinh của Chúa Kitô mới có sự cứu rỗi và cứu độ” (Rôma, 22-4-1984).
Vào dịp tổ chức Đại Hội Giới Trẻ lần đầu tiên cho các bạn trẻ miền Bắc Việt Nam tại Giáo phận Thái Bình, Đức cha Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Sang đã có sáng kiến làm một cây Thánh Giá theo đúng khuôn mẫu của Thánh Giá Giới Trẻ Thế Giới. Một cây Thập tự đơn sơ không có tượng Chúa. Thánh Giá ấy không có tượng chịu nạn Chúa Giêsu để nói lên sự mời gọi mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các bạn trẻ hôm nay hãy đóng đinh chính cuộc đời mình, bằng những hy sinh hãm mình và lời cầu nguyện để làm chứng cho cuộc khổ nạn, phục sinh và tình yêu của Chúa giữa lòng nhân loại hôm nay.
Chúng ta phải trân trọng Thánh Giá Chúa, nhất là khi chúng ta làm dấu “Thánh Giá không có tượng Chúa chịu nạn” trên mình, là chúng ta vừa tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; lại vừa tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Người hoàn hảo, vì Người đã Vượt Qua sự chết đến sự sống để chứng minh Người là Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta tôn thờ Người và đặt niềm hy vọng vào Người, vì Người chính là đích điểm của Hội Thánh.
Nhìn lên Thánh Giá, ta có thể thấy sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa. Thông qua Thánh Giá, nhiều bạn trẻ có thể hiểu rõ hơn về sự phục sinh và can đảm quyết định cho những điều liên quan đến cuộc đời của họ.
Thật vậy, trong thời đế quốc Rôma, thập giá là biểu hiệu cho tội lỗi và là một bản án tử vong. Thế nhưng, kể từ lúc Đức Giêsu Kitô, “Lời là Thiên Chúa… đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga.1:1,14), Người đã giơ hai tay ra đón nhận lấy nó và đã gò lưng vác thập giá lên Sọ Trường để chịu đóng đanh vào đó, thì thập giá đã trở thành Thánh Giá, một biểu hiệu cho ân phúc và là một mạch nguồn sự sống.
Giuse Trần Ngọc Huấn