Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm C Ngày 13-03-2022

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY C

LÊN NÚI CÙNG CHÚA ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI BIẾN ĐỔI 

Lc 9, 28b-30

Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 9, 28b-36)

28b Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

Suy niệm:

    Chắc hẳn chúng ta đã chẳng còn quá xa lạ với trào lưu “biến hình” của thời đại ngày nay. Có lẽ, sự biến đổi ngoại hình đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mọi người, chẳng khó để có thể bắt gặp những hình ảnh biến hình thành “thần tiên” hay “ác quỷ” trên mạng xã hội, cũng chẳng còn xa lạ với những ông tiên bà bụt trong những câu truyện cổ tích hay sự “biến hình” của những anh hùng , siêu nhân. Ngược dòng lịch sử, quay lại hơn 2000 năm trước, chúng ta cũng bắt gặp 1 cảnh biến hình, mà Tin Mừng Thánh Luca đã thuật lại.và hôm nay, Tin mừng cũng kể lại việc, Chúa Giêsu cũng biến hình. Có phải chăng Người muốn xây dựng cho mình một hình ảnh thật đẹp, thật xinh tươi và dễ thương trong mắt 3 môn đệ,  hay Người muốn trở nên nổi tiếng nhờ tài biến hóa khôn lường của mình, để mọi người tôn vinh, ca ngợi? Vậy, cùng để tìm hiểu nguyên nhân, lý do của việc biến hình, chúng ta hãy cùng đi chậm và suy xét đến những điều sau đây.

Nguyên nhân Chúa Giêsu Biến hình

  Điều thứ nhất, chúng ta cùng tìm hiểu đó chính là nguyên nhân việc biến hình, thay đổi hình dạng của Chúa Giêsu. Ngang qua các bản văn Tin mừng của các thánh sử, chúng ta sẽ bắt gặp 2 điều mà được các Thánh hay nhắc đến và thuật lại. Đó chính là Cầu nguyện và Khiêm nhường. Ta cũng có thể thấy rất rõ 2 điều này trong giáo lý của Ngài, thông qua lời nói hay việc làm, nhất là việc chính Người cũng đã nêu gương Thánh cho chúng ta noi theo. Bản văn Tin Mừng thuật lại Đức Giêsu đưa 3 môn đệ lên núi để Cầu nguyện. Phải chăng, đây là cách thức để người biến hình?

   Qua dòng thời gian, trải dài từ Cựu Ước đến Tân Ước, chúng ta đều thấy rõ những hiệu quả tốt đẹp mà việc cầu nguyện mang đến, nhưng đồng thời, đây cũng là công việc khó khăn đòi hỏi sự phó thác, vâng phục và quyết tâm cao. Chúng ta có thể thấy rõ sự chiêm niệm của Chúa Giêsu không chỉ trong những biến cố quan trọng, nhưng còn ăn sâu vào trong đời sống thường ngày của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (x. Lc 3,21); đêm trước khi chọn các môn đệ (x. Lc 6,12); trước khi biến hình (x. Lc 9,28); …Chiêm ngắm Chúa Giêsu, ta nhận thấy một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Cha và sự phục lụy vì tình yêu đến tận cùng. Và hôm nay, trước khi biến hình, Đức Giêsu cũng cầu nguyện. Không ai biết Người đã cầu nguyện với Chúa Cha những gì, hay đã xin những điều gì. Ta chỉ biết “đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem.”  Phải chăng, việc biến hình là hệ quả của cầu nguyện? Vậy nếu như không cầu nguyện, Ngài có biến hình được không? Và nếu được, tại sao Người lại phải cầu nguyện?

     Câu trả lời chắc chắn Chúa Giêsu không cầu nguyện thì Người vẫn có thể biến hình, vì chúng ta xác tín một điều rằng, Đức Giêsu đồng bản thể với Chúa Cha, vì vậy, Người có đủ quyền năng để biến mình trở nên tinh sáng, không chỉ trong những giây phút ít ỏi với 3 môn đệ, nhưng còn là mọi giây phút khi người còn tại thế, nếu Người muốn. Và việc Người cầu nguyện trước khi biến hình, điều đó diễn tả sự khiêm nhường, vâng phụcphục Chúa Cha trong mọi sự, đồng thời kết hiệp mật thiết sự mạng của Người với Thiên Ý vẹn toàn của Chúa Cha. Và vì vậy, việc cầu nguyện của Đức Giêsu được coi là đẹp lòng Người, và xứng đáng là “Con Ta yêu dấu”. Thêm nữa, việc Chúa Giêsu cầu nguyện cũng là một bài học cho chúng ta biết sống mật thiết với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, vì Đức Giêsu là Chúa mà vẫn phải cầu nguyện, huống chi những thân xác tội lỗi yếu đuối của chúng ta. “Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn” – Cầu nguyện không chỉ là việc để con người ta được sống, nhưng còn là sống vẹn toàn, và bằng cách này, chúng ta còn thể kết hiệp mật thiết cuộc đời chúng ta với thánh ý Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta cùng được biến đổi, được hoán cải và được hạnh phúc. 

     Nhưng để việc cầu nguyện được đẹp lòng Thiên Chúa, quả là một việc không dễ dàng, tự bản năng chúng ta không thể nên thánh nếu không gắn chặt vào Thiên Chúa. Và Người không những là Đấng quyền năng nhưng còn là Đấng khiêm nhường trong lòng. Thật vậy, người cũng dạy các môn đệ của Người học biết sự khiêm nhường. “ Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” (x.Mt 11, 29). “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (x.Mc 9, 35); “Cũng vậy, Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người” (x.Mc 10, 45). Hay đỉnh cao nhất là việc Người đã ,” hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x.Pl 2,5-8). Vậy, đây chính là minh chứng cho việc Thiên Chúa vô cùng cao cả và quyền năng nhưng cũng là một Thiên Chúa vô cùng khiêm nhường. Chúng ta cũng thể tìm thấy ngay trong đoạn Tin mừng, việc Đức Giêsu truyền cho “các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.” Song, điều đó cũng khẳng định việc Đức Giêsu biến hình không nhằm một mục đích tư lợi cá nhân, muốn mọi người tôn vinh, hưởng danh cao vọng trọng. 

   Nếu vậy, điều gì đã khiến đức Giêsu biến hình, và tại sao Người lại chọn gọi 3 môn đệ là ông Giacobe, Gioan và Phêrô lên núi cầu nguyện chứ không phải là tất cả hay những môn đệ khác? Có điều gì được coi là thiên vị khi Đức Giêsu dẫn các ông lên núi và có điều gì bí ẩn khiến người dặn các ông giữ kín không được nói với ai những điều đã minh chứng? 

Lời mời gọi yêu thương 

  Chúng ta biết “Thiên Chúa thương xót những ai người muốn và tỏ lòng nhân từ với những ai người muốn tỏ lòng nhân từ. Vậy người ta được chọn không phải vì muốn hay chạy chọt. Nhưng vì được Thiên Chúa Thương Xót” (Rm. 9,15-16)

Ngang qua bản văn Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy rõ, ông Gioan và anh của ông là ông Giacobe là người được đức Giêsu chọn gọi làm môn đệ của Người. Người ta tin rằng, ông Gioan là “vị tông đồ của Chúa Giêsu” yêu quý. Trong bữa Tiệc Ly, chính ông Gioan đã được tựa đầu vào ngực Đức Chúa Giêsu. Ngài cũng là vị tông đồ duy nhất đứng dưới chân Thánh Giá và Đức Giêsu, trong khi hấp hối, đã trao phó Mẹ yêu dấu của Người cho vị tông đồ yêu quý này. “Này là Mẹ con!” (Ga. 19,27). Không những vậy, ông có một trái tim nhạy cảm để nhận ra Đức Giêsu hiện diện trong cuộc đời và sứ mạng của ông, chúng ta có thể thấy rõ qua chi tiết nhỏ bé như chỉ cần nhìn những tấm niệm được xếp gọn gàng trong mồ, hay việc người đàn ông thả lưới bên cạnh mạn thuyền cũng đủ làm ông xác tín rằng “Chính Chúa đó!”(Ga. 21,7).

Còn ông Giacôbê, có lẽ là vì ​​phản ứng của ông đã thực hiện cùng với anh trai mình: Đức Giê-su bảo : “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” Họ đáp : “Thưa uống nổi.” (Mt 20, 22), ông giữ lời và đã đi đến cùng điều ông cam kết. Mặc dù vậy, ta có thể thấy 2 anh em con ông Dêbede cũng có những thiếu sót riêng, có thể kể đến như việc vì tính tình nóng nảy, hai ông đã được Chúa Giêsu đặt cho biệt hiệu là con của thiên lôi. Hai ông đã bị Chúa khiển trách vì đã muốn cho lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Samari không chịu tiếp đón Người. Và nhất là đang khi Chúa Giêsu chuẩn bị cho các ông chấp nhận tiến về Giêrusalem thì hai ông lại là người muốn tranh giành chỗ cao chỗ nhất trong anh em.

Tiếp đến là ông Phêrô, người Đức Giêsu tín nhiệm và trao cho quyền thủ lãnh nước trời “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy, Hãy chăn dắt chiên của Thầy, và Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (x.Ga 21, 15-17) Mặc dù ông cũng là người được Đức Giêsu tín nhiệm, nhưng ta có thể thấy ông cũng là người năng nói và năng lỗi nhất, bằng chứng là:

Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”( x.Mt 16, 22-23) .

Trong đoạn Kinh thánh trên, ta có thể thấy rõ Đức Giêsu có vẻ bực tức về hành động của Phêrô. Hay khi nhớ đến biến cố chịu quỷ cám dỗ, Đức Giêsu cũng đã chẳng quát tháo Satan. Điều này minh chứng rằng, các ông, những người được chọn đều có những bất toàn, thiết sót, yếu đuối và lỗi lầm như chính chúng ta. Nhờ đó, ta có thể khẳng định, nền tảng của chúng ta là một tình yêu nhưng không và được kết nối bởi lòng thương xót. Đặt trong bối cảnh của đoạn Tin mừng, chúng ta có thể tin rằng, việc Đức Giêsu gọi 3 môn đệ cách riêng ấy, là nhằm tăng thêm lòng tin cho các ông, nhất là qua việc Đức Giêsu biến hình và đàm đạo với các ngôn sứ. Cùng vì biết rõ sự yếu đuối của các ông, nên sau khi tiên báo về cuộc tiên khó, các ông đã được chứng kiến những vinh quang của Người, đây cũng là những bài học tâm linh. Niềm tin của các ông phải được kiện toàn để có thể  đủ sức để đương đầu với những khó khăn sắp xảy tới.

Cùng với việc chọn gọi 3 môn đệ, Đức Giêsu cũng chọn 2 vị ngôn sứ để đàm đạo. Đó là các ông Môsê và Êlia, người được nhắc đến như là Vị ngôn sứ Bốc lửa hay bạn của Chúa. Cả 2 ông này cùng bị người dân Do Thái đem ra đồn đoán, cho rằng Đức Giêsu là 1 trong 2 ngôn sứ này (x.Lc 9,19). Vậy, việc người chọn 2 ông như là để khẳng định mình còn hơn cả 2 ông nữa. 

Bước cùng Chúa lên núi Thánh

Trở lại với cuộc biến hình trên núi Tabor của Chúa Giêsu, ta cũng cùng nhìn về núi Tabor của đời mình trong Mùa Chay thánh này. Chúa đã chọn và gọi đích danh và cá vị chúng ta lên núi với Người. Mặc dầu Người biết sự yếu hèn, tội lỗi, Người biết sự mê mệt của chúng ta, nhưng Người đã chọn gọi ta . 

  • Bước lên núi Thánh cùng Chúa, chúng ta cũng giống như 3 tông đồ xưa, cũng hoang mang nhưng không thiếu mong chờ.
  • Bước lên núi Thánh cùng Chúa, chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận đánh đổi những ý riêng, mặc dù sẽ vẫn còn đó những giây phút mỏi mệt bởi hơi độc thế gian, như các tông đồ đã ngủ mê mệt.

Chúa đã gọi cách cá vị và riêng biệt, như cách người đã tách các ông “khỏi hơi độc thế gian, khi hoa chỉ mới hé mở”(x.Một tâm hồn). Chúa muốn chúng ta cùng giống như Chúa, được nghỉ ngơi lại bên Cha của Người qua việc thầm thĩ cầu nguyện, như cách các ông được chiêm ngưỡng ánh quang Chúa biến hình, cùng được học hỏi và canh tân đời sống tâm linh Người qua việc được nghe những lời đàm đạo đầy uyên bác ấy, và đỉnh cao nhất là cùng được yêu như cách Chúa Cha nói với Đức Giêsu “Ðây là Con Ta yêu dấu”. 

Sống trong một thế giới đầy cám dỗ, khó khăn và thử thách, một thế giới nhuốm đầy màu sắc của trần tục của tội lỗi, ta cần phải dừng lại và lắng nghe tiếng gọi của Chúa. Tiếng gọi ấy chẳng hào nhoáng cũng không quyến rũ như lời mời gọi của xác thịt hay của thế gian. Tiếng gọi ấy dịu dàng nhưng liên lỉ, mời gọi chúng ta hãy bước đi cùng Chúa. Đến một nơi hoang vắng mà cầu nguyện, để Chúa chưa lành những vết thương chưa khỏi, bổ sức khi chúng ta yếu đuối và thêm lòng tin khi chúng ta nghi ngờ. Qua đó, nhờ cầu nguyện, chúng ta học biết khiêm nhường để trở về cùng Chúa, khiêm nhường để nhận biết Chúa trong đời ta và nhất là khiêm nhường để Chúa làm được bất cứ thứ gì Người muốn và ta không chối từ bất cứ hồng ân nào. Và nhờ khiêm nhường, chúng ta biết sám hối thật, vì sám hối là cửa ngõ bước vào hành trình theo Chúa Kitô để nên thánh và ơn chữa lành là tiền đề cho một tình yêu đúng nghĩa, để có thể yêu Chúa, yêu kẻ thù và trở thành Con Thiên Chúa. Amen

Tác giả bài viết: Mary Vũ Thị Tú Anh

#HSVCGTGPHN

SVCG TGPHN

Chú ý: Thông tin đăng tải trên website được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Các bạn hãy chỉ lấy nó để tham khảo và ứng dụng vào bản thân. Hiện tượng bị lừa đảo do quá mê tín xảy ra rất nhiều nên các bạn hãy cẩn thận. Chúc các bạn may mắn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống!

Leave a Reply

Back to top button