YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ NHƯ ĐỨC GIÊ-SU
. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 11,25-30
(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (27) Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha. Cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. (28) Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm các ý chính như sau:
Đức Giê-su dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa Cha đã không cho những kẻ học thức quyền thế nghe biết sự thật, nhưng lại bày tỏ ra cho những người nghèo khó, yếu đuối và tội lỗi (25-26). Tiếp đến, Người nói về bản tính Thiên Chúa nơi mình ngang hàng với Chúa Cha (27), và mời các môn đệ hãy sống theo Luật tình yêu của Người, là luật vừa nhẹ nhàng dễ giữ, lại vừa đem lại sự sống muôn đời (28-30).
3. CHÚ THÍCH:
– C 25: + Lạy Cha: Khi cầu nguyện, Đức Giê-su thường xưng tụng Thiên Chúa là “Cha”, một tiếng gọi thân thương mới lạ đối với người Do thái, vì dân Do thái không bao giờ dám gọi Thiên Chúa là Cha. + “Chúa Tể trời đất”: là một lời xưng hô Thiên Chúa cách trang trọng. + Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn: “Giấu” ở đây không phải vì Chúa Cha không muốn mặc khải cho họ, nhưng vì những người kia có thái độ tự mãn, cho mình là khôn ngoan thông thái, nên không muốn đón nhận chân lý mặc khải. Trái lại, những người bé mọn vì có tinh thần khó nghèo, nên được Thiên Chúa tỏ mình ra để họ biết Người, như Đức Giê-su đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !” (Ga 9,39). Câu này gợi lại câu chuyện về các thiếu niên Do thái trong sách Đa-ni-en: Tất cả các bậc khôn ngoan thông thái Ba-by-lon không ai hiểu được mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chỉ có các thiếu niên Do thái là được Thiên Chúa mặc khải cho (x. Đn 2,27.30). Cũng vậy, Đức Giê-su ngợi khen Thiên Chúa vì đã tỏ mầu nhiệm Nước trời cho những người bé mọn, tức là những kẻ tin cậy phó thác vào sự che chở của Người.
– C 26-27: + Đó là điều đẹp ý Cha: Đức Giê-su luôn làm hài lòng Chúa Cha (x. Mt 3,17). + Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi: Ngôn sứ Đa-ni-en được mặc khải cho biết chuyện Con Người được Đấng Cao Niên (Thiên Chúa) ban tặng tất cả mọi sự (x. Đn 7,14). Ở đây, Đức Giê-su cũng cho thấy Thiên Chúa đã giao phó mọi sự cho Người (x. Mt 28,18). Nhất là cho Người biết rõ Cha để Người mặc khải Cha cho lòai người, hầu ban cho lòai người được sống đời đời (x. Ga 17,2-3). + Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha. Cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho: “Biết” ở đây không phải là sự hiểu biết tri thức thông thường, nhưng là một sự hiểu biết thâm sâu. Là sự hiểu biết của tình yêu bao gồm cả tâm hồn lẫn thể xác.
– C 28: + Tất cả hãy đến với tôi: Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy đi theo làm môn đệ của Người, tức là vâng nghe lời Người dạy và sống theo gương mẫu tốt lành của Người. + Những ai đang vất vả mang gánh nặng nề: Chính Đức Giê-su là Con Người được đề cập trong sách Đa-ni-en. Giờ đây lại xuất hiện dưới danh xưng Con Thiên Chúa, là Vua và là Đấng mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn. Họ là những kẻ vất vả và mang gánh nặng nề mà Người mời gọi họ hãy đến với Người. Đó là những người Do thái sống dưới ách của Luật cũ với nhiều tập tục nặng nề (x. Mt 23,4). Đó còn là mọi người đang sống trên trần gian đã trải qua nhiều gian nan thử thách.
– C 29-30: + Hãy mang lấy ách của tôi: “Ách” hay “gánh” của Đức Giê-su nói đây chính là đạo lý Tin Mừng mà Người rao giảng. + Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường: Đạo lý của Đức Giê-su được tóm lại trong ba điều chính: Một là Tin, nghĩa là trở thành môn đệ của Người. Hai là khiêm nhường, nghĩa là hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa. Ba là hiền lành, nghĩa là đối xử khoan dung nhân hậu đối với tha nhân. + Vì ách tôi êm ái: Đức Giê-su đòi môn đệ phải giữ luật theo tinh thần thanh thoát của hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật (x. Mt 5,17.20), khác với tinh thần vụ Lề Luật, và nặng hình thức bề ngoài (x. Mt 5,21-22). Đức Giê-su cũng dạy môn đệ đừng bắt chước các đầu mục Do thái là các kinh sư và người Pha-ri-sêu, vì họ chỉ nói mà không làm (x. Mt 23,2-7). + Và gánh tôi nhẹ nhàng: Khi tuân giữ các điều Luật dạy với lòng yêu mến, thì bất cứ điều khoản nào dù khó giữ đến đâu đi nữa, cũng sẽ trở thành nhẹ nhàng êm ái và dễ tuân giữ đối với những ai có lòng mến Chúa thực sự.
4. CÂU HỎI: 1)Khi xưng hô với Thiên Chúa, Đức Giê-su đã gọi Thiên Chúa là ai ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LUÔN VUI TƯƠI VÌ CÓ TÂM HỒN HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG:
Nhà văn TÔN-TOI (Tolstoi) đã kể một câu chuyện sau để khuyên người ta phải sống vui vẻ lạc quan:
Một hôm, một con chó sói kia gặp thấy con sóc có bộ lông màu nâu đang nhởn nhơ gặm củ cà rốt trên một cành cây gần mặt đất, sói liền nhe hàm răng nhọn hoắc ra, gầm gừ đe dọa và hỏi sóc nâu rằng: “Này tên sóc nâu khốn kiếp kia. Tại sao tao thấy họ hàng sóc bọn bay lúc nào cũng vui vẻ nhảy nhót ăn uống như thế ? Bộ chúng bay không thấy ông nội của chúng bay đang rầu thúi ruột ra đây hay sao ?” Bấy giờ chú sóc nâu kia vội leo lên cành cao hơn để đề phòng bất trắc. Sau khi ngồi an toàn trên cành, sóc nâu mới trả lời chó sói rằng: “Thưa ông sói. Sở dĩ ông luôn cảm thấy buồn thúi ruột vì ông là kẻ gian ác, lúc nào cũng để lòng giận hờn, luôn tìm cách bắt nạt và giết hại những kẻ yếu đuối hơn mình. Còn họ sóc nhà chúng tôi luôn được vui tươi và nhảy nhót suốt ngày, vì chúng tôi sống hiền lành, hòa thuận với mọi loài vật khác và không làm hại bất cứ ai”.
Câu trả lời của chú sóc nâu rất phù hợp với bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su là một người lạc quan. Dù vừa gặp phải thất bại ở các thành phố ven Biển Hồ (x. Mt 11,20-24), nhưng Người vẫn nhận ra thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều mầu nhiệm này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha (Mt 11,25-26).
Còn chúng ta, sau khi gặp một vài sự chống đối hay thất bại trong việc truyền giáo, chúng ta thường cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi. Chúng ta hãy xin Chúa ban tinh thần lạc quan của Đức Giê-su, để dù gặp phải đau khổ thất bại, vẫn dâng lời ngợi khen cảm tạ, vì biết rằng sự thất bại chỉ là nhất thời, là dịp để chúng ta học tập rút kinh nghiệm. Hy vọng sẽ tới ngày chúng ta sẽ trở thành thợ gặt mùa lúa bội thu của Thiên Chúa như lời Đức Giê-su tiên báo.
2) KINH NGHIỆM CỦA MỘT NGƯỜI GẶP CHÚA:
Một cô sinh viên Công giáo kia vừa bắt gặp quả tang người yêu đã lừa dối phản bội mình thì cảm thấy rất buồn chán. Rồi khi về đến nhà, cô lại bị mẹ rầy la vị sự ngây thơ khờ dại của mình. Cô chạy xe đến tìm mấy người bạn thân, để tâm sự mong được an ủi. Nhưng thật không may: Người thì đang đi học, người khác thì mắc phải đi làm, đứa khác lại đang bận đi chơi với bạn trai… Trời đã về chiều và đường phố đang giờ tan tầm, cô chạy lòng vòng ngoài đường và bị mắc kẹt tại giao lộ, phải chịu đựng những tiếng ồn ào và hít mùi khói xăng khó chịu. Gần đó có một thánh đường, cô liền đem xe vào chỗ gửi và vào trong nhà thờ. Bầu khí nơi đây thật trang nghiêm yên tĩnh. Cô đến quỳ ở hàng ghế đầu sát gian cung thánh nhìn lên Chúa Giê-su và bắt đầu thầm thì tâm sự với Người. Nói đến đâu nước mắt tuôn trào đến đó. Sau một hồi lâu, cô cảm thấy tâm hồn đã nên nhẹ nhàng thanh thản. Hình như tâm tư của cô đã được Chúa nghe và cảm thông rồi. Cô đã tìm thấy bình an trong tâm hồn và sẵn sàng quên đi tất cả những gì đã gây đau khổ trước đó. Cô hy vọng một tương lai tốt đẹp đang chờ đón. Rồi cô ra lấy xe về nhà như không có gì xảy ra.
Thật đúng như lời Đức Giê-su kêu gọi trong Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được rằng: Chỉ nơi Chúa con mới được niềm vui và sự bình an.
3) SỐNG VÌ YÊU THƯƠNG:
Trong quyển nhật ký, mục sư MÁC-TIN LU-THƠ KINH (Martin Luther King), người đã hy sinh mạng sống để đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen, trong cuốn nhật ký ấy có đoạn ông viết như sau:
“Tôi rất hãnh diện nếu ngày tôi chết, được ai đó kể lại rằng: Lu-thơ Kinh là người đã cố gắng sống vì yêu thương. Ngày đó tôi mong các bạn có thể nói rằng: tôi đã cố gắng sống cho công lý, rằng tôi đã đồng hành với những ai thực thi công bình, rằng tôi đã dấn thân để đem lại cơm bánh cho những người đói ăn, và kẻ rách rưới có đồ mặc. Tôi mong rằng ngày đó các bạn sẽ nói rằng: Lu-thơ Kinh đã xả thân để thăm viếng những người tù tội, và yêu thương phục vụ hết mọi người, nhất là những nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc… Còn tất cả những thứ khác, như giải No-bel Hòa Bình 1964 không quan trọng nên chẳng cần phải nhắc lại…”
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con giống hình ảnh yêu thương của Chúa. Chúa đã phú ban cho con một trái tim biết yêu thương. Xin cho con biết luôn tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống trong sự hòa thuận tha thứ và khiêm nhường phục vụ. Nhất là xin cho con biết yêu thương những người nghèo khổ đang sống bên con, vì họ là hiện thân của Chúa.
4) LỊCH SỬ LỄ THÁNH TÂM:
Khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá, thánh sử Gio-an đã nhấn mạnh tới vết thương ở cạnh sườn Người như sau: “Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,33-34).
Trước thế kỷ 12, Hội Thánh có thói quen tôn kính các vết thương của Chúa Giê-su. Nhưng từ thế kỷ 13, Hội Thánh bắt đầu tôn kính Trái tim Chúa, là cơ quan tượng trưng cho Tình yêu của Người. Đến năm 1695, nữ tu Mác-ga-ri-ta thuộc dòng Đức Mẹ Thăm Viếng ở Pháp, đã được Chúa Giê-su hiện ra phán bảo rằng: “Đây là Trái Tim đã yêu mến loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi”. Rồi Chúa truyền phải phổ biến lòng tôn sùng Trái Tim Chúa trên khắp thế giới. Giáo Hội cổ động việc tôn sùng này như một phương tiện để chống lý thuyết sai lầm lan tràn vào thời đó, chủ trương Thiên Chúa là Đấng nghiêm minh công thẳng, không xót thương và sẽ trừng phạt các tội nhân. Vì thế Giáo Hội thấy càng phải đề cao lòng thương xót của Chúa. Nên đến cuối thế kỷ thứ 18, Giáo Hội đã thiết lập lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su.
Phương thế để tôn sùng Trái Tim Chúa Giê-su là siêng năng làm việc đền tạ. Việc đền tạ gồm hai phần chính: Một là giục lòng kính mến Chúa, thay cho những kẻ đã vô tình bạc nghĩa với Người. Hai là dâng những lời ngợi khen, ăn năn và cầu xin ơn tha thứ thay cho những kẻ đã dám cả lòng xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa.
3. SUY NIỆM:
1) Mọi người lao động vất vả và mang gánh nặng hãy đến cùng Đức Giê-su: Đức Giê-su mời gọi các tín hữu năng chạy đến với Người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Gánh nặng ở đây là gánh nặng của đau khổ, hậu quả của những lần vấp ngã, của trách nhiệm, của sự chịu đựng tha nhân… Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu, cảm thấy chán chường mệt mỏi, hãy đến tâm sự với Đức Giê-su để được Người ban sự bình an cho tâm hồn.
2) Học tập các nhân đức:
– Noi gương Đức Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29): Đức Giê-su không giấu môn đệ về những đòi hỏi nghiêm túc của Người, về con đường chật hẹp leo dốc mà ít người muốn đi, về thập giá mà chúng ta phải vác đi hằng ngày để theo sau Người giống như ông Si-mon Ky-rê-nê đã làm trên đường thánh giá. Như thế, sự an bình Người hứa ban, không phải là thứ bình an dễ dãi giả tạo, nhưng là sự bình an trong tâm hồn sau khi đã trải qua đau khổ. Sự bình an của người ý thức mình được Chúa Giê-su yêu thương và biết mình đang trung thành thực thi theo thánh ý Chúa muốn. Bấy giờ các sự khóa gặp phải sẽ biến thành ách êm ái và gánh nhẹ nhàng (x. Mt 11,30), do được đón nhận với tình yêu Chúa. Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ như thánh Au-gút-ti-nô đã nói: “Nơi đâu có tình yêu, thì sẽ không có vất vả. Mà giả như có vất vả, thì người ta cũng thích sự vất vả đó”.
– Noi gương Đức Giê-su yêu thương môn đệ đến cùng: Tinh yêu của Đức Giê-su đối với loài người nói chung và các môn đê nói riêng là tinh yêu tột đỉnh không giới hạn như Tin Mừng Gio-an viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b).
– Noi gương Đức Giê-su luôn nhẫn nhịn chịu đựng và sẵn sàng tha thứ cho những xúc phạm của bọn người gian ác: Đức Giê-su tuy ghét tội nhưng lại yêu thương những kẻ có tội. Trong cuộc khổ nạn, Người luôn có thái độ tha thứ: nhẫn nhịn trước hành động phản bội của môn đồ Giu-đa, im lặng trước những nhạo cười của đám đông và của vua Hê-rô-đê, chịu đựng trước lời khích bác của các đầu mục dân Do thái và của tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh trên thập giá… Nhưng sẵn sàng tha thứ tội chối Thầy của môn đê Phê-rô, hứa ban Nước Thiên đàng cho kẻ trộm có lòng sám hối, xin Chúa Cha tha thứ những xuc phạm của người đời.
-Noi gương rông rãi ban phát ơn lành cho những người nghèo khổ bệnh tật: như Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, cho người cùi được sạch, cảm thông với sự đau khổ mất người thân nên đã phục sinh người thanh niên chết đang được mang đi chôn tại cửa thành Na-im, phục sinh La-da-rô chết bốn ngày nằm trong mồ tại làng Bê-ta-ni-a…
4. THẢO LUẬN:
1) Theo bạn, luật đạo nêu ra các việc bổn phận người tín hữu phải làm như dự lễ cầu nguyện sớm tối có phải là gánh nặng không ? 2) Làm thế nào để các việc ấy tuy là cái ách phải mang, nhưng trở nên êm ái nhẹ nhàng như lời Chúa hôm nay ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa đã đến và ban cho chúng con muôn ngàn hồng ân cả về thể xác cũng như tâm hồn. Chúa lại muốn cho chúng con quảng đại chia sẻ cho tha nhân những hồng ân ấy. Này thân xác chúng con với đôi mắt, tay chân, tài năng, sắc đẹp… Này tâm hồn chúng con với trí khôn hiểu biết, tình cảm yêu thương, ý muốn tự do… Chúng con xin dâng tất cả cho Chúa. Xin cho chúng con biết làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa.
LẠY CHÚA. Đời chúng con được bao phủ bằng biết bao hồng ân của Chúa. Cuộc đời của chúng con luôn có bàn tay Chúa dìu dắt dẫn đưa. “Có Chúa đi với con, con nào sợ chi ai ?” Xin giúp chúng con biết khám phá nơi bản thân những tài năng Chúa ban, biết trân trọng những của cải vật chất chúng con đang quản lý, và biết tận dụng những cơ hội, để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn theo thánh ý Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM