Tình hình Giáo Hội tại Á châu, đặc biệt tại Nam Hàn
Một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Gia đình, của Linh Mục Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews, và của ông Thomas Hong Son Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh
Sáng 13-8-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô lên đường công du Nam Hàn để tham dự Đại hội giới trẻ Á châu, và chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.
Cách đây 4 năm, Giáo Hội Nam Hàn đã nhóm Hội nghị giáo dân Á châu tại Seoul, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu phái đoàn của 19 nước trong vùng, thành viên của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, và phái đoàn của 37 hiệp hội, phong trào và cộng đoàn giáo dân được Tòa Thánh chấp nhận. Hội nghị đã diễn ra trong các ngày 31 tháng 8 đến mùng 5 tháng 9 năm 2010 về đề tái: “Loan báo Chúa Giêsu Kitô tại Á châu ngày nay”.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tich Hội Đồng Toà Thánh về giáo dân, của cha Bernardo Cervellera, thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, và của ông Thomas Hong Son Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh, về tình hình Giáo Hội tại Nam Hàn.
Tuy bài phỏng vấn đã được thực hiện trong bối cảnh hội nghị cách đây 4 năm, nhưng nó vẫn còn rất thời sự. Vì thế chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của Đức Hồng Y Rylko, của cha Cervellera và ông đại sứ Nam Hàn, nhân chuyến viếng Đức Thánh Cha viếng thăm Nam Hàn bắt đầu từ ngày 13-8-2014.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, giữa hội nghị giáo dân Á châu năm 1994 và hội nghị năm 2010 có khoảng cách là 16 năm. Trong khoảng thời gian này thế giới giáo dân Á châu đã có các thay đổi nào?
Đáp: Nếu chúng ta chú ý quan sát cuộc sống của Giáo Hội tại Á châu trong khoảng thời gian này, chúng ta có thể trông thấy Giáo Hội tại Á châu đầy nhiệt huyết truyền giáo như thế nào, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thử thách. Đây là một Giáo Hội hằng năm có sức tăng trưởng 4-5% và có thể tự hào về hàng ngũ các Thánh, nhất là các vị tử đạo, trong đó có không ít giáo dân nam nữ. Dĩ nhiên, tại Á châu Giáo Hội là một thiểu số, nhưng không phải là một thiểu số nhút nhát. Thật thế, chúng ta đang đứng trước một Giáo Hội đầy tràn sức sinh động và được linh hoạt bởi niềm hy vọng lớn nảy sinh từ đức tin.
Hỏi: Đâu là các điểm khó khăn của công tác rao truyền Tin Mừng tại Á châu ngày nay, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, như nhiều phái đoàn tham dự Hội nghị đã nêu lên, đó là hiện tượng phong trào tôn giáo cuồng tín ngày càng lan tràn và áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với sự tự do tôn giáo tại nhiều nước á châu. Thế rồi cũng không thiếu các trường hợp kỳ thị, và có cả các cuộc bách hại tôn giáo đích thật nữa. Vì thế Á châu lại có các vị tử đạo. Rất nhiều kitô hữu Á châu sống trong lo sợ, bởi vì họ bị đe dọa, sách nhiễu và bách hại.
Các Giám Mục của một vài nước Á châu đã tố cáo hiện tượng đau buồn của một sự “mất máu sự hiện diện kitô”. Hội nghị lần này là một dịp quan phòng để bầy tỏ tình liên đới và sự hiệp thông đức tin của chúng tôi đối với các anh chị em đó. Ngoài ra, đối với nhiều tham dự viên, hội nghị này là một cung cấp dưỡng khí tốt lành, một ơn của niềm hy vọng, cho thấy Giáo Hội hoàn vũ đồng hành với các Giáo Hội tại Á châu.
Có một thách đố khác nữa đó là sự gặp gỡ với các truyền thống tôn giáo lớn của Á châu. Sự gặp gỡ này tạo ra nguy cơ phổ biến của một tâm thức tương đối hóa và trộn lẫn tôn giáo, làm sai lạc ý nghĩa của việc rao truyền Tin Mừng. Chẳng hạn như người ta hướng tới chỗ san bằng sứ mệnh truyền giáo, coi nó như là một cuộc đối thoại mơ hồ, bên trong đó mọi lập trường đều như nhau. Người ta hướng tới chỗ giản lược việc rao truyền Tin Mừng thành một công tác thăng tiến nhân bản đơn thuần. Sau cùng, sự toàn cầu hóa cũng đem tới Á châu não trạng hậu tân tiến, khước từ Thiên Chúa và các trào lưu này ảnh hướng trên hàng ngũ giáo dân công giáo tại Á châu. Tất cả các thách đố này chứng minh cho thấy sự cấp thiết của một việc đào tạo nghiêm chỉnh, của một chương trình khai tâm kitô sâu xa hơn cho các anh chị em muốn gia nhập Giáo Hội, trong các giáo xứ cũng như trong các hiệp hội giáo dân.
Tuy nhiên, cuộc sống của Giáo Hội tại Á châu không chỉ có các vấn đề và các thách đố. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Giáo Hội tại Á châu sinh động, lớn lên và ngày càng truyền giáo hơn. Đây là lý do khiến cho mọi tham dự viên đều vui sướng.
Hỏi: Liên quan tới cuộc đối thoại liên tôn, anh chị em giáo dân nắm giữ vai trò nào trong một môi trường như môi trường Á châu, trong đó có hiện tượng tôn giáo cuồng tín gia tăng, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Trong lãnh vực này phần đóng góp của anh chị em giáo dân không thể thiếu được. Họ ở hàng tiền đạo, dấn thân trong môi trường sống của họ, trong một “cuộc đối thoại của cuộc sống thường ngày”. Chứng tá của tình bác ái tin mừng, có khả năng nghiêng mình trên mọi nỗi khổ đau của con người một cách vô vị lợi – một cách độc lập với sự tùy thuộc tôn giáo – và thái độ rộng mở cho sự cộng tác xây dựng công ích của các cộng đoàn địa phương có thể là các phép lạ đích thật. Trong hội nghị chúng tôi đã nghe rất nhiều chứng từ về điều này. Thật đáng nêu bật điều này: đó là không có sự chống đối giữa việc loan báo Chúa Kitô và việc đối thoại với các tôn giáo khác. Cần phải duy trì sự liên lạc giữa hai yếu tố này, nhưng đồng thời cũng phải phân biệt, không lẫn lộn và không lèo lái chúng, cũng như coi chúng như nhau, có thể thay thế nhau được.
Hỏi: Như vậy có thế nói là Hội nghị đã đạt các thành qủa tốt?
Đáp: Vâng. Nó đã là một ơn lớn lao cho toàn thể Giáo Hội sống và rao truyền Tin Mừng tại Á châu. Tôi tin rằng mọi tham dự viên đã mạnh mẽ trong hy vọng, được phong phú tình yêu hơn đối với Giáo Hội địa phương, và dấn thân hơn trong việc truyền giáo. Nhiều người đã khám phá ra vẻ đẹp là tín hữu kitô. Và hội nghị cần được tiếp tục trong cuộc sống của mọi tham dự viên.
** Sau đây là vài nhận định của cha Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews.
Hỏi: Thưa cha, cha có nhận xét gì về lịch sử của Giáo Hội tại Á châu?
Đáp: Tôi tin rằng trong lịch sử của nó Giáo Hội tại Á châu đã là một trong các Giáo Hội bị bách hại gắt gao nhất. Có lẽ Giáo Hội tại Á châu đã có nhiều vị tử đạo hơn tất cả các Giáo Hội khác cộng lại với nhau. Ngay cả ngày nay tại nhiều nước khác nhau vẫn không có tự do tôn giáo. Trong số 10 quốc gia bóp nghẹt tự do tôn giáo, ít nhất có 8 nước Á châu. Điều này có nghĩa là có rất nhiều đau khổ và hạn chế. Vẫn còn có các vị tử đạo tại Á châu, nếu chúng ta nghĩ tới các vụ tàn sát trong bang Orissa bên Ấn Độ, tới các tín hữu kitô bị bỏ tù bên Trung quốc, tại Bắc Hàn, và nhiều nước khác. Như thế còn có nhiều tử đạo và rất nhiều khó khăn.
Hỏi: Tại nhiều nước Á châu như Philippines, Nam Hàn và Ấn Độ, sự hiện diện của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông rất ý nghĩa. Các Giáo Hội địa phương di chuyển như thế nào để lôi cuốn giáo dân vào việc sử dụng các phương tiện truyền thông, thưa cha?
Đáp: Chính trong các nước mà qúy vị vừa kể tên, có các kinh nghiệm rất lớn như các nhật báo và các đài phát thanh. Đó đây cũng có kinh nghiệm về truyền hình nữa, nhưng truyền hình rất mắc mớ, và như thế như là một thiểu số Giáo Hội tại Á châu không có khả năng chịu nổi các chi phí to lớn như vậy. Tuy nhiên, trong mọi môi trường đều có các giáo dân làm việc. Vị linh mục đưa ra các chỉ dẫn và trao ban giá trị tinh thần cho chương trình. Nhưng chính các giáo dân điều hành các phương tiện truyền thông cho việc rao truyền Tin Mừng.
Hỏi: Thưa cha, phụ nữ và người trẻ nắm giữ vai trò nào cho tương lai của Giáo Hội tại Á châu?
Đáp: Đôi khi đối với tôi Giáo Hội tại Á châu xem ra hơi “giáo sĩ”, bởi vì có sự kính trọng đối với quyền bính, vì thế người ta tôn trọng linh mục, giám mục như “quyền bính thánh thiêng”. Điều này tùy thuộc các quan niệm tôn giáo hiện diện tại Á châu. Hội nghị muốn thúc đẩy một sự cộng tác giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, và như thế theo tôi, phụ nữ và người trẻ có một cơ may lớn. Thật ra, hiện nay việc rao truyền Tin Mừng được giao cho giới trẻ làm giữa các bạn trẻ cùng trang lứa với họ, trong các trường học hay đại học, với hàng xóm, và cả trong các chức vụ giữa lòng xã hội nữa.
Hỏi: Trong bối cảnh này, các Ngày quốc tế giới trẻ có giá trị nền tảng trên bình diện quốc gia và quốc tế, có đúng thế không thưa cha?
Đáp: Đúng vậy. Bởi vì các Ngày quốc tế giới trẻ là dịp giúp khám phá ra tính cách đại đồng của Giáo Hội. Nghĩa là Giáo Hội không chỉ là một gia đình gắn liền với một quốc gia, một chủng tộc hay một nền văn hóa mà thôi, nhưng còn là cái gì vượt quá mọi nền văn hóa và ôm trọn toàn thế giới nữa. Các Ngày quốc tế giới trẻ hấp dẫn đối với giới trẻ Á châu. Và thường khi trong các ngày này nhiều người trẻ quyết định theo Chúa trong ơn gọi đời thánh hiến.
** Sau cùng là nhận định của ông Thomas Hong Soon Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh.
Hỏi: Thưa ông đại sứ, có khoảng trống nào được dành cho giáo dân Nam Hàn ngày nay hay không?
Đáp: Giáo dân Đại Hàn rất hãnh diện về lịch sử Giáo Hội của họ, bởi vì chính họ đã là những người thành lập nó. Nhưng chính ơn thánh Chúa đã hướng dẫn chúng tôi tới con đường cứu độ này. Vì thế giáo dân Đại Hàn tìm cách làm chứng tá cho Chúa một cách tốt đẹp nhất trong cuộc sống thường ngày, luôn luôn trong sự hiệp thông với các linh mục và các tu sĩ nam nữ để phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng một cách tốt đẹp hơn.
Hỏi: Đề tài đối thoại, là một khía cạnh quan trọng tại Á châu, chiếm chỗ nào trong hội nghị, trong các thời điểm khó khăn này đối với Giáo Hội tại nhiều nước, nơi các bạo lực chống Kitô giáo gia tăng một cách thê thảm: tôi nghĩ tới Pakistan hay Ấn Độ?
Đáp: Ngày nay tại Á châu đối thoại quan trọng và cần thiết, nhất là để thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa tín hữu của các tôn giáo khác nhau. Nó vô cùng quan trọng đối với việc thăng tiến hòa bình. Vì thế đối với chúng tôi đối thoại không gì khác hơn là một hình thức rao truyền Tin Mừng.
(SD 4-8-2014)
Linh Tiến Khải
Nguồn: WHĐ