Sự khác biệt giữa những người cùng mang danh Kitô hữu
Hôm nay xin được nói thêm về sự khác biệt giữa những tin hữu cùng mang danh Kitô hữu ( Christians) nhưng không cùng chung một niềm tin, thờ phụng Thiên Chúa chung một phụng vụ thánh và hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo dưới quyền lãnh đạo của Đức Thánh Cha là Đại diện duy nhất của Chúa Kitô trên trần thế.
Như đã giải thích, giữa các Giáo Hôi Kitô Giáo có sự khác biệt thế nào thì giữa những người cùng tin Chúa Kitô ( Christians) cũng khác nhau như vậy. Nghĩa là không phải cứ xưng danh hay nhận mình là Kitô hữu thì đều mang chung nội dung của danh xưng này.
Cụ thể, chỉ có người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thông Giáo Đông Phương mới thực là những tín hữu chính danh của KitôGiáo (Christianity) vì chỉ ở trong các Giáo Hội này mới có đầy đủ mọi phương tiện cứu rỗi là giáo lý vững chắc, Thánh Truyền Mặc khải và Kinh Thánh chính xác, cùng với các Bí Tích cứu độ mà Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội của Người để tiếp tục Sứ Vụ Cứu Độ của Chúa trong trần thế cho đến ngày cánh chung tức là mãn thời gian. Cũng nhấn mạnh thêm là Chỉ có một Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu trên trần thế và Giáo Hội này “tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với Ngài điều khiển. “ (x. Lumen Gentium số 8). Sở dĩ có Nhánh Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) là vì có sự bất đồng về một vài vấn đề tín lý và quyền bính giũa Đông và Tây nên Nhánh Kitô Giáo Đông Phương ở Constantinople đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo Roma ( Tây phương) và trở thành Chính Thống từ năm 1054 cho đến nay. Nhưng vì Giáo Hội Đông Phương có nguồn gốc Tông Đồ ( Thánh An-Rê) nên có đầy đủ các bí tích hữu hiệu như Giáo Hội Công Giáo La Mã do công truyền giáo ban đầu của Thánh Phêrô, anh của Thánh An Rê, là Tông Đồ đã sang truyền giáo ở Đông Phương. Do đó, chỉ có trong Giáo hội Công Giáo và anh em Chính Thống Đông Phương mới có thể cử hành thành sự Hy tế thập giá của Chúa Kitô trên Bàn thờ ngày nay mỗi khi Thánh lễ Tạ ơn được cử hành ở khắp nơi trong Giáo Hội, là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Kitô trên trần thế. Thánh lễ Ta Ơn ( Eucharist) là đỉnh cao là là nguồn sống thiêng liêng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Chúa Kitô hiệp thông với Giáo Hội. Nguồn sống này là chính Chúa Kitô, là Người Con “cũng ban sự sống cho ai tùy ý” ( Ga 6: 21). Ngoài lời ban sự sống, Chúa Kitô còn ban thịt máu Người qua bí Tích Thánh Thể mà chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thông Giáo Đông Phương có mà thôi. Các Giáo hôi mang danh Kitô khác không có Bí tích quan trọng này, vì họ không có chức linh mục hữu hiệu để có thể cử hành hữu hiệu Bí Tích Thánh Thể qua đó, Chúa Kitô tiếp tục ban thịt máu của Người làm của ăn, của uống nuôi sống linh hồn chúng ta, và cho ta hy vọng sống đời đời vì “ ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6 : 54) như Chúa đã hứa.
Các giáo phái mang danh Kitô giáo khác như các nhánh Tin Lành (có hàng chục ngàn nhánh khác nhau ở Mỹ ), và Anh Giáo đều không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession) cho nên không có Chức linh mục hữu hiệu ( valid Priesthood), như các linh mục Công Giáo và Chính Thông Giáo. Do đó, dù họ có nghi thức bẻ bánh và uống rượu thì đó chỉ là bánh và rượu mà thôi, chứ không phải là thịt và máu Chúa Kitô ban qua Bí Tích Thánh Thể được cử hành trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo. Ngoài bí tích quan trọng này, Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống còn có các bí tích chữa lành như Xức dầu bệnh nhân và Hòa Giải để giúp các hối nhân giao hòa lại với Chúa và với Giáo Hội sau khi đã lỡ sa phạm tội vì yếu đuối con người.
Chính việc năng lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh Thể mà đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu được tăng trưởng và sung mãn để giúp họ lớn lên trong tình yêu của Chúa và bảo đảm phần rỗi mai sau. Ơn phù trợ của Chúa ban qua các bí tích này thật vô cùng cần thiết cho những ai muốn nên hoàn hảo như Chúa Kitô mong muốn cho mỗi người chúng ta: “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện.”( Mt 5: 48).
Mặt khác, chỉ có ơn thánh Chúa ban cho chúng ta qua hai bí tích quan trọng nói trên mới có thể giúp ta hữu hiệu chống lại những khuynh hướng xấu còn tồn tại nơi mỗi người chúng ta, và nhất là chống lại mọi cám dỗ của ma quỉ ví như “sư tử đói đang gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” tức là cướp lấy linh hồn ta như Thánh Phêrô đã cảnh giác trên đây. ( 1 Pr 5 :8).
Người Kitô Hữu (Christians) ở các Giáo hội ngoài Công Giáo không thể có kho tàng thiêng liêng quí giá là các Bí tích này. Họ chỉ có Kinh Thánh, nhưng Kinh Thánh lại được dịch và cắt nghĩa theo cách hiểu riêng của họ hay phản lại Kinh Thánh tinh tuyền của Giáo Hội như nhóm “Chứng nhân Jehovah ( Jehovah Witnesses) đã làm.
Đặc biệt, họ không có bí tích hòa giải , một bí tích quan trọng mà Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ trước tiên và Cho Giáo Hội ngày nay, sau khi Chúa từ cõi chết sống lại và hiện ra với các ông và nói:
“anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha – Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” ( Ga 20: 23)
Các anh em Kitô hữu ngoài Công Giáo cũng đọc những lời Chúa trên đây, nhưng họ không cắt nghĩa và áp dụng như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thông Giáo. Trái lại, họ cho rằng chỉ có Chúa tha tội nên họ có xưng tội thì xưng trực tiếp với Chúa chứ không qua trung gian một người nào. Nhưng họ quên rằng Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội cho các Tông Đồ như lời Chúa trên đây. Và các Tông Đồ dã trao lại cho những người kế vị các ngài là các Giám Mục trong Giáo Hội. Các Giám mục lại chia sẻ quyền này cho các phụ tá thân cận là các linh mục trực thuộc để thi hánh sứ vụ Tông đồ trong Giáo Hội ngày nay. Ơn ích của bí tích Hòa giải thật lớn lao, vì nhờ có bí tích này mà con người được giao hòa lại với Thiên Chúa, được cảm nhận rõ rệt ơn tha thứ của Chúa qua thừa tác viên con người là Giám mục hay linh mục. Những ai có thói quen năng xưng tội, nhất là khi mình lỡ phạm tội gì trọng mà đi xưng tội cách ngay thật thì đều cảm nhận ơn tha thứ và bình an trở lại trong tâm hồn, một niềm vui nội tâm mà không một tâm lý gia hay tâm lý trị liệu ( Psychotherapist) nào có thể mang lại cho ai muốn điều trị tâm bệnh. Các anh chị em ngoài Công Giáo không tin Giáo Hội có quyền tha tội nhân danh Chúa Kitô ( In persona Christi) nên họ không thể cảm nhận được niềm vui và an bình nội tâm, dù cho họ có trực tiếp xưng tội với Chúa như họ chủ trương. Nghĩa là họ thiếu hẳn ơn ích thiêng liêng, niềm vui và an bình nội tâm mà Chúa ban cho các hối nhân qua tác vụ của linh mục cử hành bí tích hòa giải.
Đành rằng mọi tội phạm đến Chúa thì chỉ có Chúa tha tội mà thôi. Nhưng Chúa Kitô đã ban quyền tha tội đó cho Giáo Hội, hay cụ thể, là cho các thừa tác viên có chức Linh Mục (chia sẻ chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô) là Giám mục và linh mục, nên ta phải chậy đến với các thừa tác viên này để xin Chúa tha mọi tội đã phạm vì yếu đuối con người. Mọi linh mục, dù ai bất xứng đến đâu dưới con mắt người đời, đều có có thể tha tội hữu hiệu (thành sự =validly) nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi). Nghĩa là chính Chúa Kitô nghe và tha tội cho ta qua tay một linh mục. Chúng ta cần nhớ kỹ điều này để an tâm đi xưng tội với bất cứ linh mục nào đang có năng quyền ( faculty) giải tội như đã nói ở trên. Cũng xin giải thích thêm là, nếu vì lý do nào mà Giám mục tạm rút năng quyền của một linh mục trực thuộc, hay còn gọi nôm na là “treo chén”( suspension) thì linh mục đó tạm thời hay vinh viễn không được phép cử hành các bí tích Rửa tội, Thánh Thể, hòa giải, xức dầu, chứng hôn..
Ngoài ra, rất cần nói lại ở đây một lần nữa là Chúa Kitô không ban bí tích Hòa giải cho ta lợi dụng để cứ phạm tội, rồi lại đi xưng tội. Chúa biết ta còn yếu đuối nên Người ban bí tích này để giúp ta cố gắng sửa mình và lấy lại tình thương của Chúa sau khi đã lỡ phạm tội vì yếu đuối con người, và nhất là bị ma quỷ và thế gian cám dỗ, khiến khó đứng vững. Nhưng nếu ai không cố gắng sửa mình và nương nhờ ơn Chúa giúp sức để xa tránh tội lỗi, khiến cứ sa đi ngã lại để di xưng tội mà không quyết tâm chừa bỏ tội lỗi, thì hãy nghe lời Chúa nghiêm khắc cảnh cáo sau đây:
“Ta biết các việc ngươi làm : ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi ! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” ( Kh 3: 15-16)
Chúa rất nhân từ và đầy lòng thương xót, thứ tha. Nhưng ta không được lợi dụng tình thương quảng đại của Chúa để đi hàng hai, nửa nóng nửa lạnh. Nếu ta quyết tâm đi theo Chúa thì Người sẽ ban ơn nâng đỡ để giúp ta nên thánh, một ơn gọi không dành riêng cho ai trong Giáo Hội mà cho hết mọi tín hữu đã nhận Phép Rửa và Thêm sức để gia nhập Giáo Hội và trở nên chi thể của Thân Thể nhiệm mầu Chúa Kitô là Giáo Hội.
Tóm lại, khi xưng mình với người khác , nhất là với người ngoại quốc, người Công Giáo phải nói rõ mình là Tin hữu Công Giáo (Catholic Christian) để không lẫn lộn với các tín hữn Kitô khác như hàng trăm ngàn các nhánh Tin Lành ở Mỹ hiện nay. Họ cũng tự xưng là Christians nhưng khác nhau và khác xa chúng ta về mọi phương diện, từ phương cách phụng thờ Chúa đến phương thức nhận lãnh ơn cứu độ của Chúa, vì họ không có những bí tích cứu độ cần thiết như Thêm Sức, Xức dầu, Hòa Giải và Thánh Thể. Đa số họ chỉ có phép Rửa Rửa (Baptism) mà thôi. Nhưng Nhóm nào không rửa tội với nước và Công thức Chúa Ba Ngôi thì việc rửa tội không hữu hiệu hay thành sự (invalid). Do đó, khi một tín hữu ngoài Giáo Hội muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo, thì phải hỏi rõ xem họ đã được rửa tội thế nào trong giáo phái khác để biết xem việc rửa tội đó có thành sự hay không, vì Giáo hội công nhận phép Rửa của các giáo phái khác nếu họ cũng rửa bằng nước và công thức Chúa Ba Ngôi.
Cũng vì sự khác biệt giữa các Giáo Hội cùng tôn thờ Thiên Chúa và nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc (Savior), nên các tín hữu của các Giáo hội đó cũng không có chung một phương thức thờ phượng và thực hành đức tin. Vì thế, người Công Giáo không thể tự do kết hôn với bất cứ tín hữu của Giáo phái nào ngoài Công Giáo mà không có phép chuẩn của Giáo quyền địa phương, cụ thể là Văn Phòng Chưởng Ấn (Chancery) của Tòa Giám mục. Muốn kết hôn với người khác tôn giáo, (mixed marriage) thì phía Công giáo phải nhờ linh mục hay phó tế giúp chuẩn bị hôn phối, xin phép chuẩn (dispensation for disparity of workship) cho người ngoài Công Giáo để giúp phía Công giáo được tiếp tục lãnh nhận các bí tích như các tín hữu khác trong Giáo hội. Lại nữa, theo giáo luật, thì phía không Công giáo phải cam kết cho con cái được rửa tội và sống đức tin theo cha hoặc mẹ là người công giáo. Nếu phía không Công giáo từ chối cam kết này thì không thể kết hôn với người Công giáo được.
Đó là tất cả những điều người Công giáo cần biết mỗi khi xưng mình cho người khác biết về tư cách tín hữu của mình trong Giáo Hội, cũng như trong việc giao tế với các anh chị em Kitô hữu khác ngoài Giáo Hội Công Giáo. Ai tin Chúa Kitô thì đều được gọi là Kitô hữu (Christians) nhưng Kitô hữu của Giáo Hội Công Giáo hay Chính Thống thì không phải là Kitô hữu của các nhánh Tin Lành và Anh Giáo như đã phân tích trên đây.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn