Đức Maria Hồn Xác Lên Trời

Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta long trọng cử hành lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Đây là một tin vui lớn cho con cái Mẹ khắp nơi, đồng thời cũng là niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta. Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu tại sao Đức Mẹ lại được Thiên Chúa ban đặc ân cao trọng như vậy và việc Mẹ Maria hồn xác về trời nói gì với chúng ta ngày hôm nay.

 

Lịch sử Hội Thánh cho chúng ta biết, niềm tin tưởng Đức Maria hồn xác lên trời đã có từ thế kỷ thứ 6. Nhiều nơi trong Giáo Hội đã mừng lễ này với nhiều tên gọi khác nhau như lễ Đức Mẹ ngủ, lễ sinh nhật lên trời của Mẹ. Mãi đến thế kỷ 13 mới có tên là Đức Mẹ Lên Trời. Kinh Thánh không nói gì về những ngày sau hết của Đức Maria. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ cũng rút vào sự âm thầm và cầu nguyện. Mẹ không còn xuất hiện nhưng Mẹ vẫn hiện diện giữa các tông đồ và Hội Thánh để nâng đỡ và khích lệ tinh thần. Theo truyền khẩu, sau khi Thánh Giacôbê tử đạo năm 42, Mẹ Maria lui về sống ở Êphêsô với Thánh Gioan. Mẹ đã qua đời vào khoảng năm 54, thọ 72 tuổi.

 

Truyền thống lâu đời của Hội Thánh cho rằng, chân lý Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa dựa trên vai trò đặc biệt của Mẹ Maria trong sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu con Mẹ. Quả vậy, Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu đã muốn hoàn tất việc cứu độ thế giới bằng cách“sai con mình đến sinh làm con một người nữ” (Gal 4,4-5), người nữ này đã được phát họa trong cựu ước nơi lời hứa chiến thắng con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa giòng giống mi và giòng giống người ấy. Giòng giống ấy sẽ đạp nát đầu mi”. Cuối cùng, sau những đêm dài mong đợi, lời hứa được thực hiện với lời xin vâng của Mẹ Maria. Nói lời xin vâng ấy, Mẹ đã kết chặt đời mình với cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Sự liên kết giữa mẹ và con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Đức Maria thụ thai hạ sinh con một Chúa cho đến chân thập giá trên đồi Canvê. Mẹ đã trải qua những giây phút háo hức đem Chúa đến cho bà Elisabeth và Gioan Tẩy giả, đã trãi qua những vất vả của cuộc sống nơi xứ lạ quê người, những giây phút hoang mang trước lời loan báo của cụ già Simôn, những giây phút lo sợ khi con mình bị người ta chống đối, đe dọa, đòi ném đá, những giây phút đau thương khi con mình bị tra tấn, tù tội và giây phút cắt lòng khi nhìn con tắt hơi trên thập giá. Quả thật, Mẹ đã gắn chặt số phận của Mẹ với số phận Giêsu Con Mẹ. Suy nghĩ theo hướng đó, các Thánh giáo phụ đã đặt những lời sau đây trên môi miệng Đức Giêsu khi đưa Mẹ về trời “Con ở đâu thì Mẹ cũng phải ở đó, Mẹ không bao giờ lìa xa con”. Thánh Gioan Đamascô nhấn mạnh tới mối tương quan giữa sự tham dự vào cuộc khổ nạn và sự tham dự vào số phận vinh quang. Cần phải để cho Đấng đã thấy con mình ở trên thập giá và đã nhận lãnh lưỡi gươm đau khổ vào lòng… được chiêm ngưỡng người con đó ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang. Dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Phục Sinh, thật xứng hợp để cho người Mẹ được tôn vinh sau khi chết cùng với con mình. Công đồng Vat.II, khi nhắc đến mầu nhiệm Đức Maria lên trời đã lôi kéo sự chú ý đến đặc ân “vô nhiễm nguyên tội”, chính vì được gìn giữ cho khỏi tội nguyên tổ, Đức Maria không thể ở lỳ trong tình trạng chết chóc giống như bao người khác cho đến ngày tận thế. Việc Đức Maria hồn xác lên trời được Thiên Chúa tiền định trong vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế, được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, sự cộng tác vào công trình cứu chuộc loài người. Tất cả như những luận chứng chắc chắn đưa đến việc định tín của Đức Giáo Hoàng Piô 12 vào ngày 1/11/1950:“Đức Trinh Nữ Maria, sau khi mãn cuộc đời dương thế, được đưa về trời cả hồn lẫn xác”.

 

Việc Đức Maria hồn xác lên trời nói gì với chúng ta ngày hôm nay?

 

Sự kiện Đức Maria được đưa lên trời cả hồn lẫn xác là một lời tiên báo, là hình ảnh tiên trưng cho cuộc sống lại của chúng ta. Sự kiện ấy có được là nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô đã viết: “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Mỗi người theo thứ tự của mình, mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 15, 20-26). Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi các tín hữu: “Đức Maria được đưa về trời, các Thiên Thần hãy vui lên! Hội Thánh hãy vui lên!”. Đối với chúng ta, ngày đại lễ hôm nay giống như ngày lễ Phục sinh kéo dài. Đồng thời, cũng là dấu chỉ và là nguồn hy vọng về cuộc sống muôn đời và ngày sống lại trong ngày sau hết.

 

Mừng lễ Mẹ hồn xác lên trời, chúng ta tin tưởng cầu xin Mẹ vì Mẹ là trạng sư bàu chữa chúng ta. Trong cuộc lữ hành trần gian, xin Mẹ luôn là người đồng hành. Xin Mẹ nhắc cho chúng ta đừng ngủ quên trên những giá trị trần thế mà quên đi  quê hương đích thật là sống hạnh phúc bên Chúa và Mẹ. Đức Trinh Nữ Maria không chỉ là mẫu gương cho chúng ta mà Mẹ còn là Mẹ Hằng cứu giúp. Chúng ta hãy tin tưởng chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ, tỏ cho Mẹ nghe những nhọc mệt, những thử thách và gai chông trong cuộc sống để được Mẹ nâng đỡ chở che, hầu mai sau chúng ta cũng được vui hưởng phúc thiên đàng bên Mẹ.

 

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Hạnh dcct

SVCG TGPHN

Chú ý: Thông tin đăng tải trên website được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Các bạn hãy chỉ lấy nó để tham khảo và ứng dụng vào bản thân. Hiện tượng bị lừa đảo do quá mê tín xảy ra rất nhiều nên các bạn hãy cẩn thận. Chúc các bạn may mắn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống!

Leave a Reply

Back to top button