Công nghị và tinh thần tham gia
I. Khái niệm công nghị
Công nghị giáo phận là một cuộc họp tham vấn, do Đức Giám mục triệu tập và chỉ đạo, theo đó các linh mục và các tín hữu khác của Giáo hội địa phương được kêu gọi, theo các quy định về Giáo luật, để giúp ngài trong vai trò hướng dẫn cộng đoàn giáo phận. Trong và thông qua công nghị, Đức Giám mục long trọng thực hiện bổn phận và chức vụ chăn dắt đoàn chiên của mình (x. GL đ.460).
Một lý do quan trọng để Đức Giám mục quyết định mở công nghị là khi ngài tính đến nhu cầu thúc đẩy việc chăm sóc mục vụ tổng thể; sự cần thiết áp dụng các quy định hoặc hướng dẫn cao hơn trong phạm vi giáo phận; các vấn đề cụ thể của giáo phận đòi hỏi một giải pháp chung; nhu cầu hiệp thông trong giáo phận đòi hỏi lớn hơn. Khi ấy Đức Giám mục có quyền xác định chủ đề của công nghị và ban hành sắc lệnh triệu tập công nghị.
Những công nghị xuất hiện như những thời điểm đặc biệt quan trọng trong đời sống của các Giáo hội địa phương. Hiệu quả của chúng không chỉ trong nội bộ Giáo hội mà thông qua công nghị giáo phận, Giáo hội có thể hòa mình sâu hơn vào môi trường văn hóa và xã hội tại địa phương. Các công nghị không chỉ là phương tiện, mà còn là những khoảnh khắc hiện diện của Thần khí, biểu hiện của sự hiệp thông. Trong đó, kinh nghiệm của cộng đoàn đầu tiên tại Giêrusalem được duy trì và đổi mới (Cv 15, 28).
Công nghị Giáo phận làm nổi bật tính hiệp thông, “đồng hành” cùng nhau của nhiều người với Đức Giám mục. Việc tập hợp các Kitô hữu không phải chỉ để quyết định một điều gì đó mà trước hết là để sống hiệp thông.
Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công nghị. Đời sống của Giáo hội địa phương được bao gồm nhiều ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ. Điều đó được biểu lộ rõ ràng khi mọi thành phần họp lại xung quanh Đức Giám mục, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Giáo hội “chăm chú lắng nghe, phân biệt và giải thích những cách nói khác nhau trong thời đại chúng ta, và biết cách xét đoán dưới ánh sáng của Lời Chúa” (GS 44; EV 1/1461). Chính Chúa Thánh Thần là Đấng phân phát các ân ban cho Giáo hội, khơi dậy lòng bác ái giữa các tín hữu, đổi mới lại toàn bộ đời sống, tạo nên Giáo hội của “chúng ta” (LG 7).
II. Mục đích công nghị
Công nghị mang hai chiều kích song song: là hoạt động của quyền giám mục và là một sự kiện hiệp thông.
Trong chiều kích hoạt động của quyền giám mục, công nghị là một phương tiện thích hợp để áp dụng và điều chỉnh các luật lệ và các chuẩn mực của Giáo hội hoàn vũ cho hoàn cảnh cụ thể của Giáo hội địa phương; chỉ ra các phương pháp cần phải được sử dụng trong công việc tông đồ của giáo phận; khắc phục những khó khăn vốn có trong công tác tông đồ và quản trị; làm sinh động các công việc và sáng kiến có tính chất chung; đề xuất việc chỉnh sửa giáo huấn cho đúng, nếu tồn tại những sai sót về đức tin và luân lý.
Trong chiều kích là một sự kiện của sự hiệp thông phẩm trật, công nghị giáo phận góp phần định hình diện mạo mục vụ của Giáo hội địa phương, mang lại sự liên tục cho truyền thống phụng vụ, tâm linh và giáo luật đặc trưng của mình.
III. Phương pháp thực hiện
Trước khi bước vào thời gian đại hội công nghị chính thức, việc chuẩn bị, lập kế hoạch cho việc cử hành Công nghị phải được xúc tiến chu đáo với những hình thức đổi mới thích hợp với nhu cầu hiện tại của Giáo hội. Công nghị phải được chuẩn bị sao cho đúng với các quy định của Giáo hội. Để đạt được mục đích này, một Ủy ban Soạn thảo phải được thành lập với mục đích cung cấp việc soạn thảo và công bố các quy định của Công nghị.
Các giai đoạn chuẩn bị cho Công nghị bao gồm: chuẩn bị tinh thần, giáo lý nền tảng và thông tin về công nghị; tham khảo ý kiến mọi thành phần trong giáo phận; xác định các vấn đề để bàn thảo (những quy định cụ thể dưới dạng đặt vấn đề). Các cuộc hội thảo trong thời gian chuẩn bị sẽ giúp cho việc thu thập các vấn đề cần giải quyết, định hình nhu cầu cấp bách của giáo phận để làm nên Tài liệu làm việc chính thức trong các ngày diễn ra Đại hội công nghị.
IV. Tinh thần phù hợp
Để các cuộc hội thảo trong giai đoạn chuẩn bị được thực hiện đúng với chuẩn mực của công nghị, mỗi thành viên tham gia hội thảo cần có được những tinh thần phù hợp: sẵn sàng lắng nghe; chân thành và bác ái; phân định các khía cạnh; dám sống điều mình đã xác tín.
1. Sẵn sàng lắng nghe
Thời gian chuẩn bị công nghị là thời gian để suy tư và cầu nguyện. Chính trong suy tư ta mới tìm tìm lại được chính mình, nhận diện xung quanh và làm sống động những thao thức trong tâm hồn mình. Trong khi cầu nguyện là thời điểm vàng để ta lắng nghe tiếng Chúa nói. Thiên Chúa luôn có mặt trong mọi vấn đề, trong mọi thao thức của tâm hồn con người. Nhận ra tiếng Chúa là tìm được đường đi giữa mớ lòng bong của cuộc sống.
Thời gian chuẩn bị công nghị cũng là thời gian để lắng nghe nhau. Tiếng Chúa còn được vọng lại qua tiếng nói của tha nhân. Khi sẵn sàng lắng nghe người khác chia sẻ là khi ta được hoà mình vào sự hiệp thông với tha nhân. Đó có thể là chia sẻ của một tâm hồn đang chới với hay của một tâm hồn đang hân hoan; có thể là những lời trần tình tìm kiếm sự cảm thông hay một đề nghị mà ta phải chấp nhận cắt tỉa chính mình.
2. Chân thành và bác ái
Việc lắng nghe và chia sẻ không phải là một kỹ năng hay một thủ thuật để thực hiện hội thảo thành công. Nhưng nó đòi hỏi phải được xuất phát từ một tâm hồn chân thành và ngập tràn tình bác ái.
Chia sẻ chân thành mới có sức lan toả; lắng nghe chân thành mới đụng tới được tha nhân. Khi một vấn đề được đặt ra, mọi người cùng trao đổi để làm sáng tỏ vấn đề. Đây không phải là lúc cần đưa ra quyết định cuối cùng để giải quyết vấn đề. Nhưng là lúc nêu lên và cùng nhau làm sáng tỏ bao nhiêu có thể. Tuyệt đối tránh thái độ quyết liệt hơn thua hay đúng sai. Ban tổ chức được mời gọi ghi nhận vấn đề, tổng hợp ý kiến để chuyển về cho Ban thư ký.
Để có được một bầu không khí đậm đặc của tình hiệp thông trong gia đình con cái Chúa, mọi người hiện diện thực sự phải có tấm lòng bác ái, độ lượng để tránh mọi xung khắc dẫn đến bất hoà.
3. Phân định dưới nhiều khía cạnh
Mỗi thành viên còn có sự lắng đọng nhất định để phân định các vấn đề dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Khi một vấn đề được nêu lên, mọi người được mời gọi có thái độ phản tỉnh:
- Hiện trạng tôi hay cộng đoàn đang sống nó như thế nào?
- Hiện trạng xã hội quanh tôi đang nhìn nhận nó ra sao?
- Cha ông ta đã sống nó thế nào?
- Thái độ đúng mà Giáo hội mời gọi là đâu?
Từ đó, tham dự viên có thể đi đến quyết định: Tôi phải làm gì bây giờ?
- Cái gì tôi phải sửa đổi?
- Cái gì tôi phải bỏ đi?
- Cái gì tôi phải đón nhận?
Đây là con đường để canh tân đời sống, mà cụ thể theo Công nghị Tổng Giáo phận mời gọi “Canh tân đời sống Đức Tin”.
4. Dám sống điều mình đã xác tín
Mặc dù dưới khía cạnh pháp lý, mọi tiếng nói trong công nghị chỉ là để tham vấn cho Đức Giám mục đưa ra quyết định cuối cùng mang tính pháp lý. Tuy nhiên trong việc canh tân đời sống Đức tin, ta không chờ đợi cho đến khi những quy định có tính hiệu lực thì mới thi hành. Những suy tư, phân định về đời sống đưa ta đến những quyết tâm sống những giá trị Tin Mừng luôn và ngay.
Để có được một sự canh tân thực sự, mọi người được mời gọi có lòng can đảm để dám sống điều mình đã xác tín. Khi việc canh tân đời sống Đức tin được bắt đầu ngay từ trong thời gian chuẩn bị, thì Đại hội công nghị thực sự là ngày hội của những người đang trên đường đổi mới. Mọi thành phần dân Chúa cùng bước vào đời sống mới trong Chúa Kitô, cùng lắng nghe Chúa Thánh Thần để rồi cùng hô vang lời xác quyết cho những điều then chốt của một Đời sống Đức tin trưởng thành trong hoàn cảnh xã hội hôm nay.
Ban Thư ký Công nghị
Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội