Bác ái Phục Sinh 2018 “Gửi trao yêu thương” SVCG Thạch Bích: Làm men giữa đời

Sơ Xuân đã kể cho chúng tôi nghe về con đường mà Chúa đã chọn cho người, một con đường toàn là sự hi sinh và hiến dâng phụng vụ. Có thể nói rằng, ít ai có thể có được sự hi sinh cả cuộc đời như người, kể đến thời điểm hiện tại đã là 31 năm Sơ sống và chăm sóc các bệnh nhân tại trại phong Qủa Cảm.

Cuộc đời Sơ không thiếu những lúc thăng trầm. Cảnh nhà khó khăn, cha mẹ mất sớm, phải nghỉ học từ lớp 4 một mình tần tảo nuôi 3 đứa em thơ cho đến khi dựng vợ gả chồng cho các em. Sau một lần đọc được cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng” kể về một người L.m người Pháp trẻ tuổi, đã lặn lội đến Việt Nam, đưa những bệnh nhân phong bị bỏ rơi về chăm sóc, lập nên trại phong Di Linh ở Lâm Đồng. Vô cùng cảm động và câu chuyện khiến chị trăn trở nhiều đêm: “Tại sao họ là đàn ông, là người nước ngoài, họ còn làm được như thế. Mình là phụ nữ, là người Việt Nam, mình cũng phải làm được”. Cô gái 30 tuổi năm ấy quyết tâm vào tận nơi tìm hiểu mà không hay biết ở quê mình có trại phong. Được một người quen giới thiệu, Sơ mới biết đến trại phong Quả Cảm – cách nhà chưa đến 10km.

Một buổi sáng chủ nhật, Sơ tìm lên trại phong Quả Cảm, thăm các bệnh nhân, trong đó có một cụ tên Tình. Người xót xa khi thấy cụ nằm ở góc nhà, trên những tấm gỗ kê sát vào nhau, chăn màn đều cũ mủn hết cả. Tâm sự với Sơ, cụ chỉ có mong muốn duy nhất là được cha giải tội, sức dầu cho cụ. Lúc đó, Sơ không hứa trước được với cụ là có đưa Cha vào được nơi đây hay không vì điều kiện lúc đó rất khó khăn, chính trị lúc đó đang trong giai đoạn bắt bớ và hạch sách người theo đạo Công giáo.

Một tuần sau, Sơ Xuân trở lại lên thăm, cụ vừa mất. “Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một đám tang không môt mảnh khăn trắng, không một tiếng khóc than, chỉ toàn các cụ già đeo chân giả, lật đật chôn nhau” –  giọng chị vẫn nghèn nghẹn khi kể lại, dù chuyện cũng đã qua vài chục năm.

Kể từ khoảnh khắc ấy, Sơ quyết định nghỉ hẳn việc ở trường mầm non, lên đây chăm sóc các cụ như một người y tá thực thụ, như một người con với trái tim đầy ắp tình thương.

Cơm nước, giặt giũ, vệ sinh cá nhân, cõng bệnh nhân đi lại, không việc gì Sơ không dám làm. Sau thời gian làm quen, Sơ được Giám đốc bệnh viện cho đi học một lớp về nghiệp vụ và kiến thức ý tá. Định vào trại phong Di Linh để học, nhưng thật may được Đức Cha ở Bắc Ninh giới thiệu  Sơ đến với trại phong Quy Hòa ở Quy Nhơn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả thế nhưng Sơ vẫn chỉ có một niềm xác tín, vâng phục trọn vẹn vào tình thương của Chúa, vẫn luôn “bằng lòng” với tất cả những thử thách, những thánh giá cũng như những yếu đuối của bản thân để qua đó cho chúng ta thấy được một tấm gương sống động về tình thương của Chúa. Sơ như một cây bút chì trong tay của Thiên Chúa, để viết nên một cuốn sách về sự hi sinh, yêu thương, và giúp đỡ người khác, qua những điều đó, chúng con có thể noi theo những nhân đức quý giá của Sơ mà tiếp tục sống trong cái sóng gió biển cả là thế gian này. Sơ tiếp tục con đường ơn gọi, con đường mà Chúa đã đi qua, tiếp tục giúp đỡ những bệnh nhân tại nơi đây, như một nhân chứng hùng hồn về sự hiện diện của Thiên Chúa – Thiên Chúa là Tình Yêu.

Sau những câu chuyện về cuộc đời và những kỷ niệm với các bệnh nhân nơi đây là những câu hỏi, những thắc mắc của các bạn trẻ đặt ra để Sơ chia sẻ từ đó mỗi người rút ra cho mình những bài học quý giá về cuộc đời về tình yêu thương con người.

Cộng đoàn SVCG Thạch Bích

SVCG TGPHN

Chú ý: Thông tin đăng tải trên website được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Các bạn hãy chỉ lấy nó để tham khảo và ứng dụng vào bản thân. Hiện tượng bị lừa đảo do quá mê tín xảy ra rất nhiều nên các bạn hãy cẩn thận. Chúc các bạn may mắn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống!

Leave a Reply

Back to top button