Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 11/07 – 17/07/2014 – Tòa Thánh cải cách sâu rộng các phương tiện truyền thông
1. Sứ điệp Ngày Quốc Tế Du Lịch 27-9
Hôm 11 tháng 7, Tòa Thánh đã công bố sứ điệp Ngày Quốc Tế Du Lịch 27 tháng 9, và khẳng định rằng ngành du lịch phải mưu ích cho các cộng đoàn địa phương trên bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm linh.
Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về người di cư và lưu động, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch trong thế giới toàn cầu hiện nay. Giáo Hội muốn đồng hành với các sinh hoạt này trong giới hạn của mình, vì đây cũng là dịp tốt để rao truyền Tin Mừng.
Trong Bộ luật luân lý đạo đức quốc tế, tổ chức Du lịch quốc tế nhấn mạnh rằng du lịch phải là một sinh hoạt đem lại lợi ích cho các cộng đoàn đia phương, với sự tham dự tích cực của các dân tộc vào các thiện ích kinh tế, xã hội và văn hóa một cách công bằng cũng như tạo công ăn việc làm cho dân. Điều này có nghĩa là phải có tương quan hai chiều làm giầu cho nhau. Ý niệm phát triển cộng đoàn cũng là phần của giáo huấn xã hội của Hội Thánh liên quan tới sự phát triển con người toàn diện. Trong Thông điệp “Phát triển các dân tôc” Đức Phaolô Đệ Lục minh xác rằng “sự phát triển đích thật phải toàn diện, nghĩa là nhắm tới việc thămg tiến con người và toàn con người”
Sứ điệp nêu bật rằng du lịch có thể góp phần vào việc phát triển con người toàn diện, khi nó chú ý tới lãnh vực kinh tế, môi sinh, xã hội và văn hóa. Các thống kê cho thấy lợi nhuận du lịch chiếm 3-5% tổng sản lượng quốc gia, 7-8% công ăn việc làm, và 30% các dịch vụ xuất cảng. Trong tình hình hiện nay mọi nơi trên trái đất đều có thể trở thành một mục tiêu có tiềm năng du lịch. Vì thế kỹ nghệ du lịch là một trong các lựa chọn có thể thực hiện được, giúp giảm cảnh nghèo túng trong những vùng chậm tiến nhất. Nếu được phát triển một cách thích hợp, nó có thể trở thành một dụng cụ phát triển qúy báu, tạo công ăn việc làm, phát triển các cơ cấu hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong tình trạng thất nghiệp gia tăng trầm trọng hiện nay trên thế giới. Trong viễn tượng đó đu lịch là sinh hoạt giúp thăng tiến cuộc sống của các giai tầng xã hội thường bi thiệt thòi nhiều nhất như phụ nữ, giới trẻ và các nhóm thiểu số.
Tuy nhiên, việc sử dụng các tài nguyên và nhân lực địa phương cho các sinh hoạt khác nhau cần tôn trọng các tiêu chuẩn luân lý đạo đức đối với các cá nhân cũng như với các cộng đoàn địa phương, với mục đích thăng tiến cuộc sống và thiện ích của người dân trong công bằng, chứ không phải để mưu lợi ích kỷ. Ngoài ra du lịch cũng cần chú ý tới nhiều khía cạnh quan trọng khác nữa như: sự phong phú văn hóa, cơ may gặp gỡ nhân bản, việc xây dựng các tương quan thiện ích, phát huy sư tôn trọng lẫn nhau, sự khoan nhượng và cộng tác giữa các hiệp hội, tổ chức và cơ cấu nhằm củng cố các tiềm năng xã hội và thăng tiến các điều kiện kinh tế xã hội, đào tạo nghề nghiệp cho giới trẻ….
Giáo huấn xã hội của Hội Thánh và cái nhìn đức tin Kitô có thể góp phần tích cực cho việc phát triển toàn vẹn con người và cộng đoàn trong tất cả mọi chiều kích sinh hoạt của ngành du lịch.
2. Caritas Gaza lên án các vụ dội bom oanh kích của không quân Israel
Như chúng tôi đã đưa tin, ba học sinh, Eyal Yifrah, Gilad Shaar và Naftali Fraenkel, đã biến mất vào ngày 12 tháng 6 khi họ đi nhờ xe ở khu vực phía nam của Tây Ngạn sông Jordan. Quân đội Israel đã tìm thấy thi hài của họ vào hôm thứ Hai 30 tháng 6, gần thành phố Hebron.
Chuyện này đã làm bùng lên một vòng xoáy chết chóc của hận thù và bạo lực trong quan hệ vốn đã vô cùng khó khăn của Do Thái và Palestine.
Không quân Do Thái đã oanh kích Gaza và quân Hamas của Palestine đã đáp lại với những vụ pháo kích vào các thành phố của Israel.
Tổ chức Caritas hiện diện trong dải Gaza đã mạnh mẽ lên án các vụ dội bom và oanh kích của không quân Israel, và khẳng định rằng bạo lực chống lại những người vô tội, nhất là phụ nữ và trẻ em, không đem lại an ninh cho ai hết.
Trong thông cáo gửi hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo, Caritas Gaza cho biết khác với trước đây các vụ bỏ bom và oanh tạc chỉ nhẳm vào các trạm cảnh sát và cơ sở của lực lượng Hamas, lần này không lực Israel tấn công các dinh thự dân sự và cả các trại ty nạn nữa.
Ba ngày tấn công của không lực Israel đã khiến cho hơn 80 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tám thường dân dã bị thiệt mạng đang khi theo dõi trấn đấu bán kết giữa Á Căn Đình và Hòa Lan trong một quán giải khát.
Trong thông cáo Caritas Gaza nhấn mạnh rằng người dân dải Gaza đã phải sống cảnh phong tỏa từ 12 năm nay, và trong 8 năm qua đã gánh chịu 3 cuộc xung đột. Cả hai dân tộc Palestine và Israel đều có quyền sống trong hòa bình và an ninh. Nhưng quyền ấy sẽ không thể được bảo đảm bởi bạo lực, và các cuộc tấn công chống lại các người vô tội. Con đường duy nhất giúp đạt hòa bình, an ninh và thoát ra khỏi cảnh chiến tranh, là công bằng và giải quyết chấm dứt xung khắc. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách thừa nhận quyền của dân tộc Palestine sống trong tự do trên đất của mình và cho phép dải Gaza rộng mở cho thế giới.
Caritas Gaza cho biết hiện nay không thể can thiệp, giúp đỡ và cứu trợ người tị nạn được, vì không lực Israel vẫn tiếp tục các vụ bỏ bom và không kích Gaza. Các lực lượng thiết giáp Israel đang tập trung đông đảo tại biên giới với Gaza, có thể là chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ.
3. Giáo Hội Nam Hàn sinh động và lôi cuốn nhiều người theo đạo
Sức sinh động của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn khiến cho nhiều người muốn tìm hiểu và gia nhập đạo.
Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Tổng thư ký Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, đã cho biết như trên sau chuyến viếng thăm Nam Hàn trong các ngày 16 đến 21 tháng 6 vừa qua. Đức Cha Toso đến Nam Hàn để thuyết trình về Tông huấn “Niềm vui Phúc Âm” của Đức Thanh Cha Phanxicô trong ba tổng giáo phận Kwangju, Daegu và Seoul. Đức Cha cho biết ngài rất bị đánh động bởi gương của các linh mục Nam Hàn bệnh vực những người yếu đuối nhất, và chia sẻ các khổ đau của họ trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Đây là bằng chứng cho thấy các Linh Mục Nam Hàn đang thực thi lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các linh mục phải “đi ra các vùng ngoại biên và có mùi của chiên”.
Đức Cha Toso cho biết ngài thấy Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn là gậy chống đỡ cho người nghèo và người thất nghiệp.
Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn chiếm 12% tổng số dân. Tuy là một thiểu số nhưng Giáo Hội là một cộng đoàn mạnh mẽ có tới 30 dân biểu trong Quốc Hội. Báo chí đời cho Giáo Hội Nam Hàn là bảo thủ và đi với người giầu. Nhưng Đức Cha thấy Giáo Hội rất dấn thân trong việc loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng trong nền văn hóa thống trị bởi chủ thuyết duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ trong đó tôn thờ tiền bạc và quyền bính và coi những người yếu đuối là vô dụng.
Trong nhiều thập niên qua Giáo Hội liên đới với dân nghèo trong các thời điểm xã hội khó khăn. Đức Cha Toso cũng có dịp dâng thánh lễ cho những người thất nghiệp và cũng có nhiều người vô thần tham dự. Ngài có cảm tưởng dân chúng tìm kiếm Giáo Hội vì Giáo Hội gần gũi người dân. Và đó là lý do giải thích tai sao trong các năm qua có nhiều người xin gia nhập đạo Công Giáo. Chuyến viếng thăm của Đức Cha Thư ký Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hòa Bình cũng là một kiểu chuẩn bị cho chuyến công du Nam Hàn của Đức Thánh Cha trong các ngày 13 tới 18 tháng 8 tới đây.
Năm 1949 Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn chỉ chiếm 0,6% tổng số dân, nhưng năm 2010 đã tăng lên 10,9%. Và các Giám Mục Nam Hàn nhắm tới 20% trong năm 2020.
4. Đức Giáo Hoàng mời các ngôi sao túc cầu tham dự trận đấu “liên tôn vì hòa bình” ở Rome
Các tên tuổi lớn trong làng túc cầu thế giới sẽ gặp nhau tại sân vận động Olympic Rôma vào tháng Chín tới đây trong một “trận đấu liên tôn vì hòa bình.” Ý tưởng này là một phần trong dự án Scholas Occurentes của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã giao nhiệm vụ tổ chức trận đấu này cho cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia Á Căn Đình là danh thủ Javier Zanetti.
Theo dự trù trận đấu sẽ diễn ra vào ngày 01 tháng 9, tại sân vận động Olympic của Rôma, không xa Vatican bao nhiêu. Danh thủ Zanetti sẽ không chỉ là người điều phối, anh cũng sẽ tham gia thi đấu, cùng với siêu sao Messi của Á Căn Đình, Zinadine Zidane của Pháp, Gianluigi Buffon và Francesco Totti của Ý, và những ngôi sao túc cầu khác.
Danh thủ Zanetti giải thích rằng:
“Mục đích của trận đấu là để thúc đẩy đối thoại và đề cao việc chung sống hoà bình giữa các tôn giáo”.
Giáo hoàng Học viện Khoa học xã hội cũng tham gia vào việc tổ chức sự kiện này. Đến nay, vẫn chưa rõ là Đức Giáo Hoàng Phanxicô có tham dự trận đấu này hay không.
Năm ngoái, cả Messi và Buffon đã đá trên sân vận động Olympic trong một trận đấu để vinh danh Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong trận này, Á Căn Đình thắng Ý 2-1.
Đức Giáo Hoàng đã không ngừng ca ngợi khả năng của túc cầu trong việc đưa mọi người lại với nhau và xây dựng các mối quan hệ hữu nghị.
5. Albania: Quốc gia Âu Châu đầu tiên Đức Thánh Cha viếng thăm
Ngày 21 tháng 9, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ tông du Albania. Ngài đã bất ngờ thông báo sự kiện này trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Sáu.
Đức Thánh Cha nói:
“Với chuyến đi ngắn gọn này, tôi muốn tăng cường đức tin của Giáo Hội tại Albania. Tôi muốn thể hiện sự hỗ trợ và tình yêu của tôi đối với một nước đã phải chịu trong quá khứ những hậu quả nặng nề của các thứ ý thức hệ trong một thời gian rất dài.”
Những đau khổ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến, đã xảy ra hàng nhiều thập kỷ qua. Thật vậy, Albania đã trải qua một thời kỳ bị cai trị bởi chủ nghĩa phát xít Ý, rồi tới Đức Quốc xã, sau đó là gần 40 năm, dưới ách của chế độ độc tài cộng sản.
Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, trực tiếp nhìn thấy những tác động này trên đất nước và người dân.
Ngài nói:
“Tôi là linh mục Công Giáo đầu tiên được cho phép đến thăm Albania. Đó là ngày 13 Tháng 3 năm 1991. Vào thời điểm đó, chế độ không cho phép bầu cử tự do. Quốc gia này sống trong tình trạng sợ hãi.”
Vào năm 1991, Đức Gioan Phaolô II đã gửi ba linh mục đến nơi để đánh giá tình trạng của Giáo Hội, sau nhiều năm bị bách hại. Đức Cha Vincenzo Paglia là một trong số 3 linh mục này.
Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia ngậm ngùi nói:
“Đó là quốc gia duy nhất trên thế giới, nơi mà hiến pháp cấm triệt để bất kỳ các buổi tập hợp tôn giáo. Tất cả các linh mục đều bị nhốt trong các trại tập trung. Chỉ có một Giám mục, là người tôi thực sự đã đến thăm. Họ trả tự do cho ngài, sau 19 năm tù, và buộc ngài phải sống trong một ngôi nhà đầy những con cừu. ”
Các nhà thờ đều bị đóng cửa, bị chuyển thành nhà kho, nhà để xe hoặc rạp hát. Kitô hữu cầu nguyện trong bí mật, và thường xuyên phải đối mặt với khủng bố.
Nhưng bây giờ, sau khi Đức Tổng Giám Mục Paglia viếng thăm đất nước này nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng, ngài nói là tình hình đã thay đổi rất nhiều.
Đức Cha nói:
“Tôi nhận thấy sự nhiệt tình từ tất cả mọi người: Công Giáo, Chính Thống Giáo và Hồi Giáo Họ thấy Đức Giáo Hoàng là người lãnh đạo tinh thần của nhân loại.”
Albania sẽ là quốc gia châu Âu đầu tiên Đức Giáo Hoàng viếng thăm. Đó là một chuyến đi rất biểu tượng vì thực tế là chỉ 20 năm trước đây, không ai dám nghĩ đến. Lúc ấy các Kitô hữu phải đối mặt với bắt bớ, và giam cầm dài hạn đôi khi chỉ vì đeo một cây thánh giá trên cổ của họ.
6. Đức Giám Mục giáo phận Oppido-Palmi cấm tất cả các cuộc rước kiệu Công Giáo trong vùng
Một giám mục trong khu vực Calabria của Ý đã ra lệnh cấm tất cả các cuộc rước kiệu trên đường phố vô thời hạn. Ngài đã phải đưa ra biện pháp đau lòng này sau khi một đoàn rước đã khiêng kiệu Đức Mẹ đến nhà một tên trùm Mafia hôm 6 tháng 7 vừa qua.
Hôm 21 tháng 6, Đức Thánh Cha đã đến thăm vùng này và trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án nhóm bất lương mafia Ndrangheta đang hoành hành trong vùng. Đức Thánh Cha nói: “Mafia Ndrangheta nghĩa là: tôn thờ cái ác và khinh bỉ công ích. Cái ác này phải bị đánh bại, phải bị trục xuất… Những kẻ này bị tuyệt thông”.
Hai tuần sau đó, trong một đám rước của giáo xứ Công Giáo Oppido Mamertina, đoàn rước đã bất ngờ rẽ sang một lộ trình không được trù liệu lúc ban đầu để khiêng kiệu Đức Mẹ đến nhà một tên trùm Mafia Ndrangheta là Peppe Mazzagatti, đang bị quản thúc tại gia sau khi bị khởi tố về tội giết người. Cử chỉ này được nhiều người xem như một hành vi khiêu khích Đức Giáo Hoàng của những kẻ chủ mưu đưa đoàn kiệu đến nhà tên tội phạm.
Uất hận trước cử chỉ này Đức Cha Nunzio Galantino của giáo phận Cassano allo Ionio của giáo phận lân cận nhận xét: “Đừng bắt Đức Mẹ phải kính chào bọn côn đồ.”
Ba nhân viên cảnh sát đi kèm với đoàn rước đã bỏ đi để phản đối sự kính trọng dành cho một tên tội phạm. Bộ trưởng Nội vụ Italia là ông Angelino Alfano hoan nghênh hành động của họ, nói rằng cử chỉ tôn vinh tên trùm tội phạm này thật là “tồi tệ và kinh tởm.”
Trước những diễn biến này, Đức Giám Mục Francesco Milito của Oppido-Palmi đã ban hành lệnh cấm tất cả các cuộc rước kiệu trên đường phố vô thời hạn cho đến khi có lệnh mới.
7. Ngân sách Tòa thánh năm 2013 bị thiếu hụt gần 24,5 triệu Euro
Trong năm 2013, ngân sách của Tòa Thánh bị thiếu hụt gần 24 triệu 500 ngàn Euro, trong khi ngân sách năm 2012 trước đó dư được 2 triệu 100 ngàn Euro.
Theo thông cáo công bố hôm 8 tháng 7, phần lớn số chi của Tòa Thánh, gồm 125 triệu Euro, là để trả lương có 2,886 nhân viên, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013.
Tuy nhiên, ngân sách năm ngoái của Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican dư được hơn 33 triệu Euro (33.040.583), tức là tăng khoảng 10 triệu so với năm 2012 trước đó. Tính đến ngày cuối năm ngoái, Phủ Thống đốc có 1,951 nhân viên.
Số tiền Giáo Hội hoàn vũ đóng góp cho Tòa Thánh, chiếu theo khoản giáo luật số 1271, hầu như không thay đổi tức là 22 triệu 400 ngàn Euro, tức là chỉ tăng thêm 100 ngàn so với năm 2012.
Viện Giáo vụ (IOR), tức là ngân hàng Vatican, đóng góp cho Tòa Thánh 50 triệu Euro trong tài khóa 2013.
Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh đã phê chuẩn kết toán ngân sách trên đây và mời gọi Văn phòng Tòa Thánh về Kinh Tế tiếp tục thích ứng các nguyên tắc kế toán của Vatican với các tiêu chuẩn quốc tế.
Mặt khác, Viện giáo vụ bắt đầu tiến qua giai đoạn thứ hai trong tiến trình cải tổ.
Trong thông cáo công bố ngày 8 tháng 7 vừa qua, Viện giáo vụ cho biết trong năm 2013, lợi tức của Viện này suy giảm rất nhiều từ 86 triệu 600 ngàn Euro trong năm 2012 xuống còn 2 triệu 900 ngàn Euro. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm nay, lợi tức được phục hồi đáng kể với 57 triệu 400 ngàn Euro.
Gia sản vốn (patrimonio netto) của Viện Giáo Vụ tính đến ngày 30 tháng 6 vừa qua là 775 triệu 400 ngàn Euro. Ngân khoản được khách hàng tín thác và các trái khoán của Viện này hiện nay là 6 tỷ Euro. Trong tiến trình kiểm soát các tài khoản, tính đến ngày 30 tháng 6 vừa qua, Viện Giáo Vụ đã chấm dứt quan hệ với 3 ngàn khách hàng, trong đó có khoảng 2,600 tài khoản từ lâu không còn hoạt động. Ngoài ra có 396 khách hàng bị chấm dứt quan hệ do duyết định của Hội đồng giám sát Viện này ngày 4 tháng 7 năm 2013, nhắm thu hẹp con số khách hàng của Viện Giáo Vụ.
Do quyết định đó, Viện Giáo Vụ hiện nay chỉ cho phép các tổ chức Công Giáo, cơ quan Giáo Hội, nhân viên và cựu nhân viên Vatican, các đại sứ quán và nhân viên ngoại giao cạnh Tòa Thánh được mở tài quản trong Ngân hàng ngày.
8. Gặp gỡ tân thống đốc của Ngân hàng Vatican
Trong cuộc họp báo hôm 9 tháng 7, Đức Hồng Y George Pell, tổng trưởng Bộ Kinh Tế đã giới thiệu ông Jean-Baptiste de Franssu, tân thống đốc và ông Ernst von Freyberg là cựu thống đốc của Ngân Hàng Vatican hay còn được gọi là Viện Giáo Vụ – IOR.
Tân thống đốc Jean-Baptiste de Franssu, là người Pháp năm nay 51 tuổi. Ông là một nhà đầu tư và chuyên gia quản lý tài chính.
Cựu thống đốc của Ngân Hàng Vatican là ông Ernst VON Freyberg nói:
“Việc quản lý tốt nguồn vốn của khách hàng có một tầm quan trọng đặc biệt với tương lai của Ngân Hàng Vatican. Vì thế, thật là thích hợp để trao phó trách nhiệm này cho một người nào đó có nền tảng như Jean-Baptiste là người đã rất thành công trong cuộc sống của mình.”
Viên cựu thống đốc đã lãnh đạo Ngân Hàng Vatican trong 17 tháng, để giám sát giai đoạn đầu tiên của cải cách. Dưới nhiệm kỳ của mình, ông bảo đảm rằng tất cả các tài khoản đã được kiểm tra, loại bỏ các khách hàng có những vấn đề lạm dụng hệ thống. Ông cũng sửa đổi các tiêu chuẩn của ngân hàng cho phù hợp với các quy tắc minh bạch và các quy định quốc tế.
Đức Hồng Y George Pell nói:
“Chúng tôi rất biết ơn Ernst vì những công việc ông đã thực hiện để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và chúng ta đã thấy kết quả.”
Cựu thống đốc Ernst VON Freyberg cho biết thêm:
“Chúng tôi hoàn toàn chắc chắn được những ai có thể là khách hàng và những ai không thể. Điều thứ hai là chúng tôi hoàn toàn minh bạch. Chúng tôi giống như bất kỳ tổ chức hợp pháp nào ở Italia. Chúng tôi minh bạch với công chúng bằng những báo cáo được đưa lên internet và chúng tôi minh bạch với cấp trên của chúng tôi và đặc biệt là với người giám sát của chúng tôi, AIF. ”
Jean-Baptiste de Franssu sẽ chịu trách nhiệm cho giai đoạn hai của tiến trình cải tổ Ngân Hàng Vatican và ông có ba năm để thực hiện điều này.
Một trong những mục tiêu của viẹc cải tổ lần thứ hai là Ngân Hàng Vatican sẽ ngưng việc quản lý các tài sản đầu tư, chuyển trách nhiệm đó sang một thực thể mới, được gọi là Vụ Quản lý Tài sản của Vatican. Ngân hàng sẽ tập trung vào “tư vấn tài chính và các dịch vụ chi trả.”
Tân thống đốc Jean-Baptiste de Franssu nói:
“Kế hoạch trong tương lai sẽ hướng tới việc thay đổi phần nào tương lai của các sản phẩm đang được cung cấp cho khách hàng của IOR, hướng tới những gì chúng ta gọi trong thuật ngữ của chúng tôi, trong kinh doanh của chúng tôi, là mô hình chi phí căn bản, liên quan nhiều hơn đến tiền ký gửi ngân hàng chứ không phải là việc quản lý tài sản.”
Đức Hồng Y George Pell nói:
“Tham vọng của chúng tôi là trở thành một mô hình quản lý tài chính chứ không phải là một nguyên nhân cho những vụ bê bối thường xuyên.”
Ngân Hàng Vatican quản lý gần 6 tỷ euro, được coi là tương đối thấp với một ngân hàng. Ngân hàng có 150 nhân viên. Khách hàng chỉ giới hạn trong các tổ chức tôn giáo, các nhân viên Vatican, linh mục, tu sĩ và các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh.
Nhiệm vụ chính của IOR là để đảm bảo rằng các tổ chức Công Giáo có trụ sở tại các khu vực xa xôi, có thể nhận được tiền mà họ cần. Đó cũng là một cách để loại trừ nguy cơ tiền tiết kiệm của các tổ chức Công Giáo bị đầu tư vào những mục tiêu không tuân thủ với luân lý Công Giáo.
9. Ủy ban cải cách các phương tiện truyền thông của Vatican
Các phương tiện truyền thông của Vatican dự kiến sẽ trải qua một số thay đổi sâu rộng. Một ủy ban mới của các chuyên gia đã được thiết lập để đề xuất cách thức các phương tiện truyền thông của Vatican có thể tiếp cận với nhiều người hơn với những chi phí hoạt động thấp hơn.
Vatican Radio, với đội ngũ nhân viên hơn 400 nhân viên, là đối tượng được nhắm đến trước hết.
Trong cuộc họp báo hôm 9 tháng 7, Đức Hồng Y George Pell, Tổng Trưởng Kinh Tế nói:
“Tình hình bây giờ rất khác với năm 1931 khi Đài phát thanh Vatican được thiết lập. Ngày nay, ở hầu hết các nơi trên thế giới, người ta rất ít nghe đài phát thanh.”
Vatican có một đội ngũ hùng hậu các phương tiện truyền thông, từ đài phát thanh Vatican, đến báo Quan Sát Viên Rôma, đài truyền hình trung ương Vatican, và trang web Vatican.
Trong số tất cả các phương tiện truyền thông này, trang web của Vatican, news.va, tài khoản Twitter và chương trình điện thoại ứng dụng của Đức Giáo Hoàng, được xem là có hiệu quả nhất vì tiếp cận được nhiều người và chi phí quản lý là quá rẻ chưa đến năm phần trăm của ngân sách. Chi phí cao hơn rất nhiều được trang trải cho Vatican Radio và tờ Quan Sát Viên Rôma, nhưng lại tiếp cận ít hơn với độc giả và khán thính giả.
Đức Hồng Y George Pell nói:
“Các mô hình chi tiêu của Vatican không tương thích với số lượng người được đạt tới. Mục tiêu của chúng tôi là với sự nhạy cảm và bền bỉ, chúng ta sẽ có cách tiết kiệm kinh phí rất đáng kể.”
Ủy ban sẽ được dẫn dắt bởi Lord Christopher Patten, một Chưởng Nghi của Đại học Oxford và là cựu Chủ tịch BBC Trust. Lord Christopher Patten cũng là một chính trị gia và đã từng là toàn quyền Hồng Kông từ 1992 đến 1997.
Ủy ban cũng sẽ bao gồm các chuyên gia từ Đức, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và Singapore. Năm nhân viên Vatican cũng được mời tham gia.
Đức Hồng Y George Pell nói:
“Trước hết, chúng ta cố gắng duy trì số người Công Giáo đang tiếp cận được với các phương tiện truyền thông Vatican. Ước tính là khoảng mười phần trăm của người Công Giáo trên khắp thế giới đang tiếp cận được một cách nào đó với các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh.”
Các khuyến nghị của Ủy ban được dự kiến đưa ra trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, một số những thay đổi, có thể được thực hiện ngay trong năm nay.
10. Thiết kế mới của chương trình ”Pope App” dành cho điện thoại di động
Vatican đã phát hành một phiên bản mới” Pope App” để bất cứ ai có một điện thoại di động đều có thể bắt nhịp với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chương trình được thiết kế lại để làm cho việc đọc những bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chương trình thậm chí còn cho phép người sử dụng làm nổi bật một số văn bản, chia sẻ hoặc lưu những đoạn đó để đọc sau này.
Tất cả mọi thứ từ các tweets và các bài giảng của của Đức Giáo Hoàng đều có sẵn. Người ta cũng có thể tải hình ảnh sống động, chẳng hạn như các buổi triều kiến chung của Đức Giáo Hoàng hoặc các buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô.
Chương trình cũng kết nối với sáu webcam của Vatican bao gồm cả ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II và các góc cạnh khác xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô.
Ứng dụng này có giao diện bằng năm thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Bồ Đào Nha.
11. Thảm cảnh của phụ nữ tị nạn Syria
Một báo cáo của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết những người phụ nữ đang phải gánh vác hơn 145,000 gia đình tị nạn Syria tạm cư tại Ai Cập, Li Băng, Iraq và Jordan.
Báo cáo có tựa đề “Woman Alone” đề cập đến những người phụ nữ một mình phải đối mặt với một cuộc chiến sống còn sau khi họ đã phải bỏ lại mọi sự phía sau, kể cả những người đàn ông mà theo truyền thống trong vùng vẫn là những người chính yếu trong việc nuôi sống gia đình. Giờ đây, các phụ nữ này lâm vào tình cảnh phải là người duy nhất chịu trách nhiệm trong gia đình sau khi những người đàn ông của họ đã bị giết, bị bắt, hoặc cách nào đó bị tách rời khỏi gia đình.
Báo cáo nói thêm nhiều phụ nữ đã lâm vào một “vòng xoáy những khó khăn, cô lập và lo lắng”. Cuộc chiến ở Syria bắt đầu từ tháng 3 năm 2011 đã làm khoảng 2,8 triệu người phải bỏ trốn khỏi đất nước. Tổng số người tị nạn được dự kiến sẽ lên đến là 3,6 triệu vào cuối năm nay. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi hành động khẩn cấp từ các nhà tài trợ, chính phủ cho tạm trú và các cơ quan viện trợ để giảm bớt những gì cơ quan này gọi là “sự gian khổ áp bức” mà phụ nữ và gia đình của họ đang phải chịu đựng.
12. 36 ca sĩ Hàn quốc hát chào mừng Đức Thánh Cha
Bài hát chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Á Châu tại thành phố Đại Điền (Daejeon) từ 13/8 đến 18/8 là bài “Koinonia”. Koinonia là một từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là hiệp thông. Lời bài hát Hàn Quốc nói về mối quan hệ giữa Giáo Hội trên toàn thế giới và Thiên Chúa.
36 ca sĩ trẻ của Hàn quốc đã gặp nhau tại nhà thờ chánh toà Minh Đổng (Myeongdong) của thủ đô Hán Thành để thu hình bài hát này như một lời chào mừng của giới nghệ sĩ Hàn quốc gởi tới Đức Thánh Cha.
Tổng giáo phận Hán Thành đã cho phát hình bài hát này để nói với người dân Hàn quốc rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là một hồng ân của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng thứ Ba đến thăm Hàn quốc.
Theo dự trù, Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 4 giờ chiều ngày thứ tư, 13 tháng 8 và bay tới căn cứ không quân ở thủ đô Hán Thành lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày hôm sau, 14 tháng 8.
13. Kitô hữu Iraq bỏ chạy không kịp mang theo thứ gì
Đối với đông đảo người dân miền Bắc Iraq, cuộc sống thay đổi trong nháy mắt. Bọn khủng bố Hồi Giáo tấn công ào ạt. Binh lính Iraq kinh hoàng bỏ chạy, dân chúng cũng hốt hoảng chạy theo. Họ thường không kịp mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người.
Patrick Nicholson của Caritas Quốc tế nói:
“Những gì Caritas đang cố gắng làm là cung cấp cho họ giường, chăn màn, thức ăn. Và sau đó huấn luyện cấp tốc các tình nguyện viên để họ có thể cung cấp các trợ giúp y tế.”
Tình hình cũng vô cùng gian nan đối với những người đã chọn ở lại. Người dân tại các thành phố, như Mosul, giờ đây phải trông cậy vào lòng thương xót của các chiến binh Hồi Giáo khét tiếng là tàn nhẫn.
Đức Tổng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là ngài chưa bao giờ thấy một cái gì đó như thế này: Một thành phố lớn như Mosul lại bị quân đội bỏ rơi, và người dân bị cầm tù trong một nhà tù hỗn loạn. Quân khủng bố Hồi Giáo cướp phá và đặt mìn nổ tung nhiều nhà thờ Kitô Giáo trong thành phố, và cả những đền thờ Hồi Giáo nguy nga của người Hồi Giáo Shiite, là phía đối nghịch với người Hồi Giáo Sunni.
Patrick Nicholson nói thêm:
“Đến nay chúng tôi đã lo cho 200 gia đình có nơi chốn tạm trú và đang lo tiếp cho gần 1000 gia đình nữa”.
Những báo cáo cho thấy quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã đóng đinh các tín hữu Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài đã bật khóc khi nghe những báo cáo như thế được gởi về Tòa Thánh qua thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
Marta Petrosillo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nói:
“Chúng tôi biết nhiều cuộc tấn công và nhiều tội ác chống các tín hữu Kitô tại Syria và Iraq còn tàn ác hơn như chặt đầu, cưỡng hiếp tập thể rồi giết đi.”
Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, khoảng nửa triệu người Iraq đã trốn sang Syria khi bạo lực leo thang tại quê hương họ. Sau đó, cuộc chiến tại Syria trở nên khốc liệt buộc họ phải quay trở lại Iraq. Bây giờ, họ lại phải là nạn nhân một lần nữa trong một cuộc chiến đẫm máu khác.
14. Khủng bố Hồi Giáo Séléka tấn công nhà thờ chánh tòa của thành phố Bambari
Xác người nằm la liệt tại nhà thờ Thánh Giuse, là nhà thờ chánh tòa của thành phố Bambari. Đó là cảnh tượng diễn ra vào chiều ngày 7 tháng 7 khi quân khủng bố Séléka tấn công vào nhà thờ này lúc 3 giờ chiều, theo giờ địa phương.
Ít nhất 20 người chết, hàng chục người bị thương. Họ là một phần trong số hơn 4000 người đang tạm cư trong khuôn viên nhà thờ.
Đức Cha Eduard Mathos, Giám Mục giáo phận Bambari cho biết đây là cuộc tấn công thứ hai nhắm vào một nhà thờ Công Giáo trong vùng nơi có đông đảo những người tị nạn. Ngài đau buồn nhận xét rằng cuộc tấn công đã diễn ra bất chấp sự có mặt của đông đảo quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc trong vùng.
Bambari nằm cách thủ đô Bangui 380km về phiá Tây Bắc. Cuộc tấn công đã diễn ra chỉ một ngày trước khi Bộ trưởng quốc phòng Pháp là Jean-Yves Le Drian đến thăm khu vực này.
Cha Jesus Martial Dembele, tổng đại diện của giáo phận Bambari cáo buộc quân Pháp đã chậm chạp phản ứng trước cuộc tấn công. Phát ngôn viên của quân Pháp nói binh sĩ Pháp đồn trú trong vùng đã đến nơi lúc 4h, tức là một giờ sau khi cuộc tấn công của quân khủng bố Hồi Giáo bắt đầu.
Lawrence D. Wohlers, Đại diện của Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc cho biết:
“Dân chúng Hồi giáo và Kitô giáo, đã chung sống với nhau trong sự hòa hợp tốt đẹp trong nhiều năm, giờ đây bạo lực gia tăng đã buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa của họ trong tháng vừa qua. Chúng tôi ước tính rằng khoảng 12,000 người Kitô hữu cũng như người Hồi Giáo đang tìm nơi trú ẩn trong các nhà thờ Công Giáo”.
15. Nhận xét của một linh mục về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các nạn nhân bị lạm dụng tính dục.
Theo cha Hans Zollner, Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành tại nhà nguyện Santa Marta cho các nạn nhân của lạm dụng tính dục, và các cuộc họp kéo dài mặt đối mặt với các nạn nhân để lại những ấn tượng sâu xa với những nạn nhân và với Đức Giáo Hoàng.
Cha Hans Zollner, một linh mục dòng Tên người Đức, là thành viên trong Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên nói:
“Các cuộc họp này có một chiều kích nhân bản và tâm linh thực sự là sâu xa, chắc chắn đã gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ trên các nạn nhân và chúng ta có thể nói rằng chúng cũng tác động mạnh đến Đức Thánh Cha.”
Cha Hans Zollner đã được hai trong số sáu nạn nhân yêu cầu giúp thông dịch cho họ trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Ông cho biết Đức Giáo Hoàng nói ngắn gọn, và lắng nghe cặn kẽ câu chuyện của các nạn nhân. Gần cuối, một trong những nạn nhân đã yêu cầu Đức Thánh Cha đừng bao giờ quên những gì ngài vừa nghe.
Cha Hans Zollner nhận xét:
“Nổi bật nhất là bầu không khí. Đó là một bầu không khí được một trong số những nạn nhân mô tả là nhạy cảm, lắng nghe và tôn trọng tuyệt vời.”
Bầu không khí này đã bắt đầu từ đêm hôm trước, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào đón các nạn nhân và gia đình họ trong bữa ăn tối tại nhà trọ Santa Marta.
Cha Hans Zollner giải thích:
“Trong bữa ăn, Đức Thánh Cha đã đi khắp quanh bàn để nói chuyện thân mật với các nạn nhân, và các thành viên trong Ủy ban.”
Bình luận về phản ứng của các nạn nhân, cha Hans Zollner nói:
“Một trong số họ nói với tôi, chẳng hạn ‘từ thời điểm được yêu cầu tham dự buổi họp này, tôi đã chấp nhận và một cái gì đó đã xảy ra trong tôi, thực sự là xúc động.’ Nghe những lời như thế, thấy sự xúc động của họ ngay cả từ giai đoạn chuẩn bị, tôi thực sự thấy rằng – được tham dự buổi gặp gỡ này là một món quà tuyệt vời đối với tôi. ”
Sau cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với sáu nạn nhân, Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên đã tái nhóm với các phản hồi tích cực xung quanh cuộc họp này. Một trong những đề xuất của họ là mở rộng Ủy ban từ 8 lên đến 15 thành viên, và bao gồm đại diện từ châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi.
16. Bác sĩ Ba Lan bị sa thải vì từ chối phá thai
Một bác sĩ Công Giáo tại một bệnh viện công tại thủ đô Ba Lan đã bị sa thải vì từ chối không chịu phá thai cho một phụ nữ và cũng không giới thiệu người phụ nữ này đến một bác sĩ phá thai.
Bác sĩ Bogdan Chazan cung cấp chăm sóc y tế miễn phí cho người mẹ của một đứa trẻ được chẩn đoán có những dấu hiệu bất thường nghiêm trọng, nhưng ông không khuyên người phụ nữ này nên phá thai. Vì thế, bệnh viện đã sa thải ông. Quyết định sa thải này đã gây nên một làn sóng bất bình nơi người Công Giáo và những người phò sinh.
Giải thích về quyết định sa thải này, thị trưởng của Warsaw là Hanna Gronkiewicz-Waltz nói rằng bác sĩ Chazan lẽ ra phải giới thiệu người phụ nữ này đến một bác sĩ phá thai. Theo quan điểm của ông này: “Một bác sĩ có thể từ chối thực hiện việc phá thai vì lý do đạo đức, nhưng một bệnh viện công thì không thể hành động như thế”.
Đức Hồng Y Kazimierz Ncyz, Tổng Giám Mục Koszalin-Kolobrzeg và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho rằng hành động chống lại bác sĩ Chazan đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.
Ngài nói: “Các chính trị gia không thể buộc các bác sĩ hành động trái với lương tâm của họ”.
Bác sĩ Chazan là một trong 3,000 bác sĩ đã ký “Tuyên bố của Đức Tin,” nói rằng họ sẽ từ chối thực hiện những phẫu thuật vô đạo đức như phá thai, an tử, và sinh con trong ống nghiệm. Những người ký tên đã tuyên bố rằng luật luân lý cao trọng hơn luật quốc gia.
17. Hồi Giáo quá khích tấn công một tu viện tại Bangladesh
Đức Giám Mục Sebastian Tudu của giáo phận Dinajpur, ở Bangladesh nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là từ 50 đến 60 người đàn ông thuộc một nhóm Hồi Giáo quá khích đã tấn công vào một tu viện Công Giáo hôm 7 tháng 7 và mưu toan hãm hiếp các nữ tu.
Đức Cha Sebastian Tudu nói rằng:
“Chuyện bi đát như thế chưa từng xảy ra vì các nữ tu được đánh giá cao ở Bangladesh,”
Đức Cha cho biết các nữ tu bị đánh đập và đã có những trường hợp bị toan tính hiếp dâm nhưng cảnh sát đến kịp và đã bắt giữ 12 người Hồi giáo có liên quan đến vụ việc.
Những kẻ tấn công đã mưu toan cướp phá tu viện và cả những bằng khoán đất đai mà những người nghèo và mù chữ tại địa phương nhờ các nữ tu trông nom.
Nguồn: vietcatholic.com