[Lời Chúa Mỗi Ngày] Chúa Nhật 34 Thường Niên B- Chúa Ki-tô Vua

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN.

CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

 lễ trọng.
———————————————————————————————————————

Phúc Âm:

Ga 18, 33b-37 “Quan nói đúng: Tôi là Vua”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
      Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?”
Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”
      Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.
     Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”
     Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Ðó là lời Chúa –
Lạy Chúa Ki tô, Ngợi khen Chúa

Suy Niệm:

“VUA TÌNH YÊU”
         Khác với cách tường thuật của Tin Mừng Nhất Lãm, văn chương Gio-an có cái nhìn nhiệm ý về sự chủ động của Chúa Giê-su trong tư cách một vị vua đi vào cuộc khổ nạn, dù đó là một vị vua đội “vương miện” bằng gai:
         Chúa Giê-su tuyên bố “Ta đây” trước những kẻ đến bắt, thẳng thắn xác định giáo lý và cách rao giảng công khai trước thượng tế Caipha, khẳng định tư các “vua” và tuyên bố vương quyền trước tổng trấn Philatô, và sau này chính Philatô đã ít nhất hai lần xác nhận “này là Người” khi đem ra giới thiệu trước đám đông, cuối cùng Philatô đã ghi tấm bảng treo trên đầu thập giá Chúa Giê-su khẳng định: “Giê-su Nazareth là vua Do-thái”.
         Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, chúng ta chiêm ngưỡng một vị vua chịu đóng đanh, một vị vua là Tình Yêu đã chết cho nhân loại và để giải phóng nhân loại.
Hình ảnh vị vua Giê-su không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá.
         Nhưng tại sao lại là vua? Chính câu trả lời của Chúa Giê-su cho Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” đã giải đáp cho chúng ta.
      Trước hết, khi tuyên xưng Chúa là vua, chúng ta cũng đương nhiên thừa nhận rằng, có một vương quốc Nước Trời và có một vị Vua trong tâm hồn chúng ta.

Điểm cốt yếu là:

  • Vị vua Giê-su chết ở giữa hai tử tội, nghĩa là người đã chết thay cho tội nhân là chúng ta.
  • Vị vua cầu xin ơn tha thứ cho người đã đóng đinh Người, nghĩa là vị vua đại diện cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho hết mọi người.
  • Một vị vua nhân từ và yêu thương. Một vị vua lo cứu dân chứ không phải cứu mình, như lời thách thức của các lãnh đạo và lính tráng. Nghĩa là vị vua dám chết thay cho dân chứ không phải dân chết thay mình.
               Các đầu mục Do-thái và lính tráng và cả tên kẻ trộm bên trái đã thách thức:

“Nếu ông là vua thì hãy cứu mình đi…”

 
   Họ biết Ðức Giê-su đã cứu chữa nhiều người, nhưng họ muốn Người cứu chính mình nữa và coi hành vi này mới có giá trị quyết định vì họ theo lẽ thế gian xét mọi việc không ở dưới khía cạnh bác ái và cứu thế nhưng theo mức độ ích kỷ và vinh thân. Để rồi họ cũng muốn cho vị vua của dân Chúa cũng phải như họ là ích kỷ và trước hết phải lo cho bản thân mình, phải nghĩ đến mình trước rồi mới đến người khác. Nếu như thế thì còn đâu ý nghĩa phục vụ? Còn đâu “mục tử tốt thí mạng vì đàn chiên?”
        Vì vậy, mọi Ki-tô hữu chúng ta, khi suy tôn Chúa Giê-su là Vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giê-su trong tâm hồn chúng ta.
    Chúa Giê-su là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Người phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Người vẫn thu hút chúng ta đến với Người. Thập giá là nơi vương quyền của Người được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm.
    Chúng ta cần ngắm nhìn Người trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng yêu thương và tha thứ. Xin Chúa Giê-su là Vua Tình yêu ngự trị trong trái tim nhân hậu của chúng ta khi đến với tha nhân.

Lời Nguyện:

    Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên thập giá Chúa.
Là dấu chứng của tình yêu hi sinh, để chúng con cũng biết hiến thận phục vụ tha nhân trong phận mình.
Hầu được chính Chúa thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng con.
Amen.
——————————–

SVCG TGPHN

Chú ý: Thông tin đăng tải trên website được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Các bạn hãy chỉ lấy nó để tham khảo và ứng dụng vào bản thân. Hiện tượng bị lừa đảo do quá mê tín xảy ra rất nhiều nên các bạn hãy cẩn thận. Chúc các bạn may mắn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống!

Leave a Reply

Back to top button